Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024

Vàng rớt giá khi giới đầu tư quay lại với tài sản rủi ro

Share

Trong phiên giao dịch 22/4, giá vàng giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong một tuần khi lo ngại về xung đột Trung Đông dịu bớt. Đồng thời, giới đầu tư chuyển hướng từ tài sản an toàn sang các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.

Vàng rớt giá khi giới đầu tư quay lại với tài sản rủi ro

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 2,5% xuống 2.330,51 USD/ounce, ghi dấu mức giảm trong ngày lớn nhất trong hơn một năm. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tại Mỹ giảm 2,8% xuống đóng phiên ở mức 2.346,4 USD/ounce.

Chiến lược gia Daniel Ghali tại công ty chứng khoán TD Securities, nhận định nguy cơ xảy ra các hành động tấn công trả đũa tại Trung Đông đã được loại bỏ. Điều này đã thu hút một số hoạt động bán vàng.

Trao đổi với kênh NBC News hôm 22/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian nói nước này không có kế hoạch đáp trả cuộc không kích của Israel hôm thứ Sáu. “Miễn sao Israel không có thêm động thái chủ nghĩa phiêu lưu chống lại các lợi ích của chúng tôi, chúng tôi sẽ không có phản ứng tiếp theo nào”, ông Amiradollahian phát biểu.

Giá vàng còn đương đầu áp lực giảm khi thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh trong phiên đầu tuần, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp.

Căng thẳng địa chính trị và xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce vào ngày 12/4. Sự bùng nổ của giá vàng diễn ra ngay cả khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đẩy tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt tăng cao, gây áp lực lên thị trường kim loại quý.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng đang mất đi lực hỗ trợ từ Trung Đông và tiếp tục đương đầu với sức ép từ triển vọng lãi suất Fed.

Vàng rớt giá khi giới đầu tư quay lại với tài sản rủi ro

Trong dài hạn, vàng vẫn là tài sản có sức hấp dẫn giới đầu tư. Trên phương diện kinh tế, cuộc chiến thương mại Trung Quốc -Mỹ nổ ra khiến cho các khoản đầu tư tài chính, tiền tệ và thị trường cổ phiếu trở lên bấp bênh hơn, đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài ba năm liên tục đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu của chuỗi sản xuất, cộng thêm việc chính sách tiền tệ của các nước thường xuyên biến động… Tất cả những yếu tố này đã khiến cho tình hình kinh tế thế giới liên tục phải đối mặt với các thách thức và bất ổn.        

Trong bối cảnh đó, vàng đã trở thành loại hàng hóa có sự ổn định tương đối nên giá liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2019 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, giá vàng thế giới ở mức khoảng 1.393 USD/ounce, nhưng sau đó lần lượt tăng lên 1.773 USD/ounce vào năm 2020, 1.798 USD/ounce vào năm 2021, 1.801 USD/ounce vào năm 2022 và 1.943 USD/ounce vào năm 2023 (tăng khoảng 39% so với năm 2019). Hiện tại giá vàng quanh ngưỡng 2.417 USD/ounce.

Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ công bố ngày 26/4 để tìm kiếm dấu hiệu về triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chiến lược gia Ghali tại công ty chứng khoán TD Securities nhận định giá vàng có thể trở lại mức cao kỷ lục trong trường hợp báo cáo PCE bất ngờ cho thấy lạm phát hạ nhiệt.

Xem thêm

Liên quan