Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024
HomeKiến thứcChi phí cố định - Ý nghĩa và công thức tính chi...

Chi phí cố định – Ý nghĩa và công thức tính chi phí cố định

Share

Trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp, chi phí cố định là một khoản tiền quan trọng mà các bộ phận tài chính và chủ doanh nghiệp cần nắm rõ để tối ưu hoạt động của tổ chức. Vậy cụ thể chi phí cố định là gì? Chi phí cố định có ý nghĩa và cách tính như thế nào? Hãy cùng Tamnhindautu tìm hiểu rõ hơn về khoản chi phí này ở dưới đây nhé!

Chi phí cố định là gì?

Chi phí cố định (Fixed Cost) là các khoản chi phí mà doanh nghiệp cần phải thanh toán định kỳ để duy trì hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khoản phí này sẽ không thay đổi dựa theo mức độ hoạt động kinh doanh, hay sản lượng sản xuất của doanh nghiệp.

Thông thường, chi phí cố định bao gồm một số khoản phí cần thanh toán định kỳ khác nhau, cụ thể như:

  • Chi phí thuê mặt bằng, thuê văn phòng làm việc.
  • Chi phí tiền lương.
  • Chi phí điện, nước.
  • Tiền đóng bảo hiểm.
  • Chi phí khấu hao máy móc, khấu hao tài sản cố định.
  • Chi phí đầu tư vật tư cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, v.v.
chi phí cố định là gì
Chi phí cố định là gì? Giải thích về khái niệm chi phí cố định của doanh nghiệp.

Ví dụ về chi phí cố định

Ta có tiền thuê văn phòng làm việc, tiền thuê cửa hàng, tiền lương nhân viên, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản cổ định,… là các khoản tiền mà doanh nghiệp A cần phải thanh toán định kỳ kể cả khi có hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không. Do đó, các khoản phí này được coi là chi phí cố định của doanh nghiệp.

ví dụ về chi phí cố định
Ví dụ về các khoản chi phí cố định của doanh nghiệp.

Công thức tính chi phí cố định

Về cơ bản, chúng ta có thể tính tổng chi phí cố định (Fixed Cost) theo hai cách tính nhau là công thức tính trực tiếp và công thức tính dựa trên mức hoạt động. Cụ thể như sau:

Cách tính chi phí cố định trực tiếp:

Fixed Cost = Σ Chi phí cố định = Tổng tất cả chi phí – Chi phí biến đổi.

Đối với phương pháp này, chi phí cố định (Fixed Cost) bao gồm các khoản chi phí cần thanh toán định kỳ và không thay đổi theo sản lượng sản xuất hay mức độ hoạt động kinh doanh.

Ví dụ như tiền thuê nhà, tiền thuê văn phòng, tiền khấu hao tài sản cố định, tiền trả lãi vay ngân hàng, tiền trả phí bảo hiểm, v.v.

Cách tính chi phí cố định dựa trên mức hoạt động:

Fixed Cost = Mức phí hoạt động thấp nhất/ cao nhất – (Chi phí biến trên một đơn vị x Đơn vị hoạt động thấp nhất/ cao nhất).

Trong đó:

  • Fixed Cost là chi phí cố định.
  • Mức phí hoạt động cao nhất/ thấp nhất là mức chi phí cao nhất, hoặc thấp nhất mà doanh nghiệp cần chi trả trong một khoảng thời gian nhất định, bất kể mức độ hoạt động kinh doanh hay sản lượng sản xuất của doanh nghiệp khi đó.
  • Chi phí biến trên một đơn vị là khoản chi phí biến đối với một đơn vị sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp.
  • Đơn vị hoạt động cao nhất/ thấp nhất là tổng số lượng sản phẩm/ dịch vụ cao nhất, hoặc thấp nhất mà doanh nghiệp có thể sản xuất, có thể bán ra trong một khoảng thời gian.
công thức tính chi phí cố định
Tìm hiểu các công thức tính chi phí cố định của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp có rất nhiều khoản biến phí liên tục thay đổi, chủ doanh nghiệp và các bộ phận tài chính cần tính bảng biến phí với mỗi đơn vị sản phẩm dựa trên cách tính trung bình tương đối. Điều này giúp các khoản chi phí cố định được tính toán rõ ràng hơn.

Ý nghĩa của chi phí cố định

Chi phí cố định (Fixed Cost) đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch quản trị tài chính của doanh nghiệp. Việc nắm bắt rõ các khoản chi phí cố định, doanh nghiệp có thể đưa ra nhiều quyết định kinh doanh hiệu quả và sử dụng vốn một cách tối ưu hơn.

Bên cạnh đó, khoản tiền này cũng nắm giữ nhiều ý nghĩa quan trọng khác, cụ thể như:

Dự đoán mức chi phí tối thiểu

Doanh nghiệp có thể sử dụng Fixed Cost để đưa ra dự đoán về mức chi phí tối thiểu cần chi trả trong một khoảng thời gian nhất định.

Dựa vào đó, lập ra các kế hoạch tài chính hiệu quả giúp đảm bảo tiền vốn cho mọi hoạt động, tránh rủi ro tài chính, cạn kiệt ngân sách hay sử dụng quá nhiều tiền cho hoạt động không cần thiết,…

Cơ sở để tính toán giá thành sản phẩm và dịch vụ

Chi phí cố định là yếu tố quan trọng giúp tính toán giá thành của sản phẩm và dịch vụ doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phân bổ chi phí cố định một cách hợp lý đối với từng sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo sự cạnh tranh về giá và mức lợi nhuận thu được.

Cơ sở để đưa ra quyết định sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Việc phân tích chi phí cố định sẽ giúp chủ doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả của các hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Qua đó xác định điểm hòa vốn và đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Ví dụ, doanh nghiệp có thể quyết định cắt giảm các khoản chi phí cố định không cần thiết để tăng lợi nhuận, hay tăng giảm sản lượng sản xuất để điều chỉnh chi phí cố định bình quân trên mỗi sản phẩm. 

Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh

Việc so sánh chi phí cố định thực tế và chi phí cố định dự toán sẽ giúp bạn đưa ra các đánh giá chính xác về hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh phù hợp hơn, kiểm soát chi phí hiệu quả để sớm đạt các mục tiêu đã đề ra.

Chi phí cố định là một trong những khoản tiền có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ý nghĩa của chi phí cố định
Chi phí cố định mang nhiều ý nghĩa lớn và có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Do đó, việc nắm rõ mức chi phí này có thể đem lại nhiều ý nghĩa lớn, giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả của các hoạt động thực tế so với dự đoán, điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh chưa phù hợp, tạo cơ sở để tối ưu việc sử dụng tài sản và nhiều ý nghĩa khác.

Các loại chi phí cố định mà bạn nên nắm rõ

Dưới đây là các loại chi phí cố định mà bạn cần nắm rõ để có thể đưa ra các quyết định phù hợp và tối ưu kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp.

Dựa trên yếu tố quản lý

Dựa trên yếu tố quản lý, ta có thể phân loại chi phí cố định thành hai nhóm, bao gồm:

Chi phí cố định bắt buộc

Đây là khoản phí mà doanh nghiệp cần chi trả định kỳ, nó thường liên quan đến các hoạt động cơ bản của doanh nghiệp và không phụ thuộc vào doanh số bán hàng hay mức độ sản xuất. Cho dù doanh nghiệp có hoạt động bán hàng, sản xuất nhiều hay ít thì chi phí cố định bắt buộc sẽ không thay đổi.

Ví dụ: Chi phí thuê nhà, chi phí bảo dưỡng cố định, chi phí máy móc, trả lãi ngân hàng, v.v.

Chi phí cố định không bắt buộc

Đây là khoản phí có thể được điều chỉnh và kiểm soát bởi nhà quản lý doanh nghiệp. Mặc dù là một khoản chi phí cố định nhưng chỉ phát sinh khi doanh nghiệp đi vào sản xuất kinh doanh.

Do đó, chi phí cố định không bắt buộc có thể tăng giảm theo quyết định của doanh nghiệp. Ví dụ: Chi phí quảng cáo, chi phí phát triển sản phẩm, v.v.

Dựa trên yếu tố phân bổ

Tương tự, dựa trên yếu tố phân bổ, ta cũng phân loại chi phí cố định của doanh nghiệp thành hai nhóm, cụ thể như sau:

Chi phí cố định định kỳ

Đây là khoản chi phí cố định đã được doanh nghiệp tính toán, dự đoán từ trước và khoản tiền này được thực hiện giống nhau một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ về chi phí cố định định kỳ, ta có: tiền điện, tiền nước, tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, v.v.

Chi phí cố định có thể phân bổ

Đây là khoản chi phí không cố định qua các thời điểm mà chỉ là khoản đầu tư một lần. Tuy nhiên, vì các khoản tiền này thường được quy ước để chi trả trong một khoảng thời gian dài nên ta mới coi chúng là chi phí cố định có thể phân bổ.

Ví dụ, các khoản chi phí khấu hao máy móc là một chi phí cố định có thể phân bổ.

Các loại chi phí cố định
Tìm hiểu về các loại chi phí cố định của doanh nghiệp mà bạn cần nắm rõ.

Cách phân biệt chi phí cố định và chi phí biến đổi

Trên thực tế, chi phí cố định và chi phí biến đổi là hai khoản chi phí khá dễ nhầm lẫn. Vậy, để phân biệt hai khoản phí này rõ hơn, hãy cùng chúng tôi theo dõi bảng dưới đây nhé.

Đặc điểmChi phí cố địnhChi phí biến đổi
Định nghĩaChi phí cố định là khoản chi phí thanh toán định kỳ và không thay đổi theo mức độ hoạt động hay sản lượng sản xuất.Chi phí biến đổi là khoản chi phí thay đổi theo mức độ hoạt động và sản lượng sản xuất của doanh nghiệp
Đặc điểmChi phí cố định phát sinh ngay cả khi doanh nghiệp không hoạt động. Có thể dự đoán và tính toán từ trước để đảm bảo các kế hoạch tài chính hiệu quả.
Chi phí cố định sẽ không thay đổi kể cả khi doanh nghiệp tăng giảm sản lượng sản xuất.
Chi phí biến đổi chỉ phát sinh khi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Chi phí biến đổi khó có thể dự đoán và tính toán từ trước.Chi phí biến đổi sẽ thay đổi theo sự tăng giảm của sản lượng sản xuất
Ví dụChi phí thuê mặt bằng, chi phí khấu hao tài sản, tiền trả lãi ngân hàng, tiền điện nước, chi phí lương,…Chi phí nguyên vật liệu thô, chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển,…
Tác động lên giá thành sản phẩmChi phí cố định giảm khi sản lượng tăng.Chi phí biến đổi tăng khi sản lượng tăng.
Tính vào tồn khoKhông bao gồm ở trong thời điểm định giá tồn kho.Được bao gồm trong thời điểm định giá tồn kho.
Biểu diễn trên biểu đồĐường thẳng nằm ngang.Đường thẳng dốc lên.
Ý nghĩaGiúp dự đoán mức chi phí hoạt động tối thiểu, cơ sở để tính toán giá thành dịch vụ/ sản phẩm, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định sản xuất/ kinh doanh hiệu quả hơn.Giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí và đánh giá mức độ hiệu quả của các hoạt động kinh doanh.

3 yếu tố ảnh hưởng đến chi phí cố định và chi phí biến đổi

Mặc dù chi phí biến đổi và chi phí cố định là hai khoản tiền rất khác nhau. Tuy nhiên, cả hai khoản chi phí này đều cùng chịu ảnh hưởng của một số yếu tố nhất định, bao gồm:

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ

Sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của các loại thiết bị và máy móc có thể dần thay thế sức lao động của con người trong công việc. Từ đó, quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi theo hướng chuyên môn hóa với chất lượng và số lượng sản phẩm đầu ra được cải thiện hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí cố định 1
Sự tiến bộ của khoa học công nghệ có thể ảnh hưởng lớn đến chi phí cố định và chi phí biến đổi của công ty.

Vì vậy, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ có thể giúp giảm bớt các khoản chi phí cố định (tiền lương nhân công) khi giảm bớt nhân lực cần sử dụng. Đồng thời, tối ưu chi phí biến đổi (tiền vật liệu thô) bằng cách đảm bảo sự đồng đều về chất lượng và số lượng sản phẩm đầu ra.

Bên cạnh đó, việc mua sắm thêm trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại đòi hỏi nguồn vốn tài chính lớn hơn. Điều này kéo theo chi phí khấu hao lớn và làm tăng chi phí cố định của doanh nghiệp.

Trình độ tổ chức quản lý tài chính và quản lý chi phí

Trình độ tổ chức quản lý tài chính và trình độ quản lý chi phí là hai yếu tố quan trọng có tác động mạnh mẽ đến chi phí cố định và chi phí biến đổi của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp có hệ thống quản lý vốn chặt chẽ sẽ góp phần hạn chế tổn thất, thất thoát trong quá trình sản xuất.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí cố định 2
Cơ chế quản lý tài chính tốt có thể giúp doanh nghiệp hạn chế thất thoát và tính toán chi phí cố định chính xác hơn.

Ví dụ: với cơ chế quản lý tài chính và chi phí chặt chẽ thì doanh nghiệp có thể hạn chế tình trạng thất thoát vốn, tránh lãng phí nguyên vật liệu và giảm biến phí doanh nghiệp.

Khả năng tổ chức và sử dụng lao động

Lao động là một nhân tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh và sản xuất. Do đó, doanh nghiệp cần có những kế hoạch tổ chức và sử dụng lao động phù hợp, giúp phát huy được thế mạnh của các bộ phận lao động trong doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích hoạt động sản xuất, nâng cao sản lượng công việc.

Vì lý do này, việc tổ chức nguồn nhân lực khoa học sẽ giúp phát huy tối đa sức mạnh của lao động trong doanh nghiệp. Đây chính là yếu tố then chốt trong việc giảm chi phí cố định và chi phí biến đổi.

Trên đây Tamnhindautu đã tổng hợp lại một số thông tin để giải thích chi phí cố định là gì và chỉ ra các ý nghĩa quan trọng của Fixed Cost đối với doanh nghiệp. Mong rằng những thông tin trên sẽ hữu ích và giúp bạn quản lý chi phí cố định của doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Xem thêm

Liên quan