Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024
HomeKiến thứcChi phí dài hạn là gì? Các loại chi phí dài hạn...

Chi phí dài hạn là gì? Các loại chi phí dài hạn và công thức tính

Share

Chi phí dài hạn là một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang hoạch định chiến lược phát triển dài hạn. Trong bài viết này, Tamnhindautu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi phí dài hạn là gì? Các loại chi phí dài hạn cùng với công thức và cụ thể để bạn áp dụng khi tính toán.

Chi phí dài hạn là gì?

Chi phí dài hạn (Long-term Costs – LTC) là khoản phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong một khoảng thời gian đủ dài, để tất cả các yếu tố sản xuất đầu vào như (máy móc thiết bị, lao động, nhà xưởng) có thể biến đổi thành sản lượng sản xuất mong muốn.

Chi phí dài hạn là gì?
Chi phí dài hạn giúp doanh nghiệp tăng năng suất và duy trì khả năng cạnh tranh

Ví dụ: Một công ty sản xuất quần áo đầu tư một dây chuyền sản xuất mới hiện đại hơn. Đây là chi phí dài hạn vì chi phí đầu tư ban đầu lớn, có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của công ty trong một khoảng thời gian dài. Nhưng trong dài hạn, chi phí đầu tư này có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.

Hình dạng của đường chi phí dài hạn

Đường chi phí dài hạn thường có hình dạng chữ U là do tính kinh tế theo quy mô và phi kinh tế theo quy mô.

Hình dạng chữ U của đường chi phí dài hạn
Đường chi phí dài hạn thể hiện mối quan hệ giữa sản lượng và chi phí sản xuất

Cụ thể: 

Tính kinh tế theo quy mô

Nếu tăng gấp đôi nhân tố sản xuất đầu vào mà sản lượng tăng hơn gấp đôi, thì đó là trường hợp hiệu suất tăng dần theo quy mô, tức là chi phí sản xuất giảm nhờ quy mô. Hình dạng của đường chi phí dài hạn (LAC) lúc này là một đường cong dốc xuống dưới về phía bên phải.

Hình dạng đường chi phí dài hạn khi đầu vào tăng gấp đôi
Đầu vào tăng gấp đôi dẫn đến sản lượng tăng hơn gấp đôi 

Nguyên nhân chi phí giảm khi tăng sản lượng là do tận dụng được lợi thế về quy mô. Khi quy mô sản xuất lớn hơn, lao động được chuyên môn hóa dẫn đến nâng cao hiệu suất và giảm chi phí. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đạt được mức chi phí cố định thấp hơn trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Nếu tăng các yếu tố sản xuất đầu vào lên gấp đôi mà sản lượng cũng tăng gấp đôi thì đó là trường hợp hiệu suất cố định theo quy mô. Lúc này, doanh nghiệp đạt được hiệu quả sản xuất tối đa do tận dụng tối đa các lợi ích của kinh tế theo quy mô và sự chuyên môn hóa. Do đó, hình dạng của đường chi phí dài hạn (LAC) có dạng song song với trục sản lượng (Q).

Tính phi kinh tế theo quy mô

Nếu tăng gấp đôi nhân tố sản xuất đầu vào mà sản lượng tăng ít hơn gấp đôi, thì đó là trường hợp hiệu suất giảm dần theo quy mô, tức là chi phí tăng do quy mô. Lúc này, hình dạng của đường chi phí dài hạn (LAC) là một đường cong dốc lên trên về phía bên phải.

Đường chi phí dài hạn cong dốc lên trên
Đường chi phí dài hạn dốc lên trên về phía bên phải

Nguyên nhân của hiện tượng hiệu suất giảm dần theo quy mô là do quy mô tăng quá nhanh, dẫn đến những bất lợi về quy mô chẳng hạn như sự phức tạp trong quản lý, gia tăng chi phí quản lý, khó khăn trong điều phối, hoặc việc mở rộng sản xuất nhanh đòi hỏi phải đầu tư máy móc công nghệ mới, v.v.

Các loại chi phí dài hạn

Tổng chi phí dài hạn (LTC)

Tổng chi phí dài hạn (Long-Term Cost) là tổng tất cả các khoản chi cho yếu tố đầu vào để sản xuất ra một lượng sản phẩm nhất định. Trong dài hạn, do các yếu tố đầu vào đều thay đổi nên không tồn tại chi phí cố định có nghĩa là LFC = 0. Như vậy, tổng chi phí dài hạn sẽ bằng tổng chi phí biến đổi dài hạn (LTC = LVC).

Công thức: LTC = LFC + LVC. Mà LFC = 0 (trong dài hạn), nên LTC = LVC.

Trong đó:

  • LFC là chi phí cố định trong dài hạn.
  • LVC là chi phí thay đổi trong dài hạn.

Ví dụ: Một doanh nghiệp may mặc muốn sản xuất 5.000 chiếc áo sơ mi mỗi tháng. Giả sử, giá cả các yếu tố sản xuất như sau:

  • Chi phí lao động: 100.000 VNĐ/áo.
  • Chi phí nguyên vật liệu: 150.000 VNĐ/áo.
  • Chi phí điện nước, vận hành: 30.000 VNĐ/áo.

Thì ta có:

LTC = LVC = (Chi phí lao động + Chi phí nguyên vật liệu + Chi phí điện nước) x Số lượng áo sơ mi = (100.000 + 150.000 + 30.000) x 5.000 áo = 1.400.000.000 VNĐ.

Chi phí bình quân dài hạn (LAC)

Chi phí bình quân dài hạn (Long-term Average Cost – LAC) là trung bình tất cả các chi phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm trong dài hạn.

Công thức tính: LAC = LTC / Q

Trong đó:

  • Q là số lượng sản phẩm
  • LTC là tổng chi phí dài hạn

Ví dụ: Giả sử một nhà máy sản xuất giày có tổng chi phí dài hạn (LTC) là 1 tỷ đồng để sản xuất 10.000 đôi giày.

Vậy chi phí bình quân dài hạn để sản xuất một đôi giày là: LAC = 1.000.000.000 / 10.000 = 100.000 đồng/đôi giày.

Chi phí cận biên dài hạn (LMC)

Chi phí cận biên dài hạn (Long-term Marginal Cost) là phần chi phí tăng thêm để tạo ra phần tăng thêm của sản lượng trong dài hạn. 

Công thức tính: LMC = ΔLTC / ΔQ

Trong đó:

  • ΔLTC: Sự thay đổi của tổng chi phí dài hạn.
  • ΔQ: Sự thay đổi của sản lượng.

Ví dụ: Giả sử một công ty sản xuất xe đạp đang cân nhắc mở rộng sản xuất. Hiện tại, công ty sản xuất 1.000 chiếc xe đạp mỗi tháng với tổng chi phí dài hạn (LTC) là 2 tỷ VNĐ. Công ty dự định sẽ tăng sản lượng sản xuất lên 1.200 chiếc xe đạp mỗi tháng dẫn đến tổng chi phí dài hạn (LTC) đã tăng lên 2,4 tỷ VND.

Vậy chi phí cận biên dài hạn để sản xuất thêm một chiếc xe đạp là: LMC = ΔLTC / ΔQ = 2,4 – 2 / 1200 – 1000 = 2.000.000 đồng/ chiếc.

Phân loại chi phí ngắn hạn và chi phí dài hạn

Việc hiểu rõ chi phí ngắn hạn và chi phí dài hạn có thể giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định hiệu quả về sản xuất, đầu tư và quản lý. Sau đây hãy cùng làm rõ về hai loại chi phí này:

Chi phí ngắn hạn là những khoản chi phí phát sinh trong ngắn hạn, là giai đoạn mà các doanh nghiệp không có đủ điều kiện để thay đổi các yếu tố đầu vào như vốn, quy mô nhà máy, số lượng máy móc… Và đây là chi phí của thời kỳ mà một số đầu vào dành cho sản xuất của doanh nghiệp bị cố định. 

Tổng chi phí ngắn hạn = TVC + TFC trong đó TFC là tổng chi phí cố định theo sản lượng và TVC là tổng chi phí thay đổi theo sản lượng.

Phân loại chi phí ngắn hạn và dài hạn
So với chi phí ngắn hạn, chi phí dài hạn có thể thay đổi linh hoạt theo quy mô sản xuất 

Chi phí dài hạn là những chi phí phát sinh trong dài hạn, là giai đoạn mà doanh nghiệp có đủ điều kiện để thay đổi toàn bộ các yếu tố đầu vào như quy mô nhà máy, số lượng máy móc thiết bị, nhân công… Và trong dài hạn, không có khoản chi phí nào là cố định, tất cả đều thay đổi. 

Tổng chi phí dài hạn LTC = LVC

Như vậy, chi phí dài hạn khác với chi phí ngắn hạn ở chỗ trong ngắn hạn, một số yếu tố (như quy mô nhà xưởng, số lượng máy móc) không thể thay đổi được, trong khi trong dài hạn, mọi yếu tố đều có thể điều chỉnh một cách linh hoạt để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Qua bài viết trên đây, bạn đã nắm được khái niệm chi phí dài hạn là gì và hiểu rõ về các loại chi phí dài hạn và công thức tính. Hy vọng rằng bạn có thể áp dụng những kiến thức này vào thực tế kinh doanh và đầu tư của mình để đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Nếu bạn muốn xem thêm các bài viết hữu ích về kinh tế học vi mô – vĩ mô, hãy tham khảo thêm tại website tamnhindautu.org nhé!

Xem thêm

Liên quan