Mục Lục
Trong đầu tư kinh doanh, chi phí sản xuất là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định đến sự thành bại của một công ty. Vậy chi phí sản xuất gồm những gì? Làm thế nào để tối ưu hoá tổng chi phí sản xuất? Đón đọc ngay bài viết sau từ Tamnhidautu để khám phá chi tiết định nghĩa, công thức, ví dụ và các khía cạnh liên quan đến chi phí sản xuất nhé!
Chi phí sản xuất là gì?
Chi phí sản xuất là tổng số tiền hoặc tổng tài sản để sản xuất ra một sản phẩm/ dịch vụ cụ thể mà doanh nghiệp phải chi trả. Chi phí sản xuất bao gồm tất cả các khoản chi tiêu phát sinh trong quá trình sản xuất từ việc mua nguyên vật liệu đầu vào, thiết bị máy móc, nhà xưởng, nhân công đến chi phí quản lý và vận hành ,vv.
Diễn giải theo cách khác, chi phí sản xuất là tất cả hao phí gồm lao động sống, lao động vật hóa và các khoản phát sinh mà doanh nghiệp phải chi trả để sản xuất sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm thu về lợi nhuận trong một thời kỳ nhất định.
Vai trò của chi phí sản xuất?
Chi phí dùng cho sản xuất là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình vận hành của mỗi doanh nghiệp. Kiểm soát được chi phí càng thấp, doanh nghiệp càng có lợi thế về giá trên thị trường, thúc đẩy doanh thu và đảm bảo lợi nhuận tối ưu.
Dưới đây là một số vai trò nổi bật của việc hạch toán chi phí sản xuất:
Cơ sở để lên kế hoạch tài chính, tối ưu hóa lợi nhuận kinh doanh
Kiểm soát, giảm thiểu tối đa chi phí khi sản xuất là một trong những cách giúp tăng doanh thu, tối đa lợi nhuận mà không làm mất sự “hấp dẫn” so với các đối thủ cùng ngành.
Xác định chính xác chi phí này còn giúp nhà kinh doanh lập kế hoạch tài chính, xây dựng ngân sách hợp lý, đảm bảo chi trả và thu hồi vốn.
Cơ sở để tính giá thành hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ
Để đảm bảo tính cạnh tranh, giá bán trên thị trường vừa phải phù hợp với chi phí dùng trong sản xuất, vừa phải tạo ra được lợi nhuận.
Định hình chiến lược kinh doanh và quản lý hiệu suất
Khi doanh nghiệp biết chính xác chi phí sản xuất, việc đưa ra các quyết định về mở rộng mô hình kinh doanh, đầu tư vào cơ sở vật chất hoặc loại bỏ các sản phẩm và dịch vụ không hiệu quả sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Đồng thời, điều này cũng giúp nhận diện được các khoản chi không cần thiết, nguồn lãng phí và những điểm cần điều chỉnh để cải thiện quy trình, từ đó tiết kiệm nguồn lực.
Phân loại chi phí sản xuất
Có 5 tiêu chí để phân loại chi phí dùng trong sản xuất, cụ thể:
Dựa theo tính chất kinh tế
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Các chi phí đầu vào liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ được xác định một cách cụ thể cho từng mặt hàng. Ví dụ, chi phí này bao gồm các khoản như phụ liệu, bao bì và nguyên liệu.
- Chi phí nhân công trực tiếp: Các chi phí liên quan đến người lao động trực tiếp tham gia vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được xác định cụ thể cho từng loại sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa. Những chi phí này bao gồm tiền lương, thưởng, bảo hiểm, phụ cấp và các khoản khác.
- Chi phí sản xuất chung: Các chi phí khác cũng phát sinh trong quá trình sản xuất, chế tạo dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa, nhưng chúng không được xác định riêng biệt cho từng mặt hàng. Các chi phí này bao gồm bảo dưỡng, sửa chữa, nguyên vật liệu gián tiếp, khấu hao tài sản cố định, và chi phí dịch vụ mua ngoài.
Dựa theo mục đích và công dụng của chi phí
- Các chi phí dùng trong nguyên vật liệu: Chi phí nguyên liệu chính, chi phí nguyên liệu phụ, chi phí tem mác, chi phí bao bì,…
- Các chi phí thuê và thanh toán lương cho nhân sự: Chi phí lương, chi phí bảo hiểm, chi phí xăng xe, chi phí phụ cấp,…
- Chi phí dụng cụ dùng trong sản xuất: Chi phí bảo dưỡng, chi phí mua thiết bị, chi phí xử lý dụng cụ.
- Các chi phí cho sản xuất chung: Chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí sửa chữa/ bảo dưỡng, chi phí lao động gián tiếp, chi phí nguyên liệu gián tiếp, chi phí dịch vụ mua ngoài,…
- Các chi phí dịch vụ bên thứ ba: Chi phí vận chuyển, chi phí môi giới/ hoa hồng, chi phí bảo hiểm,…
- Các chi phí khác: Chi phí phát sinh trong quá trình chế tạo, hoàn thiện nhưng không thuộc nhóm các chi phí kể trên, chẳng hạn như chi phí quản lý sản xuất, chi phi nghiên cứu, đầu tư và phát triển,…
Dựa vào khối lượng sản phẩm và công việc hoàn thành
- Chi phí cố định: Các khoản phí không thay đổi hay phụ thuộc vào khối lượng sản xuất và mức độ hoàn thành công việc tính theo một phạm vi nhất định. Ví dụ như chi phí khấu hao các tài sản cố định, chi phí trả mặt bằng, chi phí bảo hiểm cho sàn tài sản,…
- Chi phí biến đổi: Các chi phí thay đổi phụ thuộc vào sự thay đổi của khối lượng sản phẩm và mức độ hoàn thành công việc. Ví dụ như chi phí nhân công trực tiếp, chi phí nguyên vật liệu đầu vào,…
Dựa vào quy trình công nghệ sản xuất, chế tạo
- Chi phí nguyên liệu: Khoản thanh toán cho các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất.
- Chi phí lao động: Khoản tiền chi trả cho việc sử dụng lao động để vận hành sản xuất.
- Chi phí sản xuất chung: Các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất nhưng không được xác định cụ thể theo từng loại chi phí nguyên liệu và chi phí lao động.
Dựa vào phương pháp tập hợp chi phí sản xuất vào các đối tượng chịu chi phí
- Theo chi phí dùng cho sản xuất: Các chi phí được tập hợp dựa trên các khoản phải chi như chi phí nhân công, chi phí nguyên vật liệu, chi phí cho sản xuất chung.
- Theo đối tượng tập hợp: Các chi phí được tập hợp dựa trên các đối tượng chịu phí như hàng hoá, dịch vụ, sản phẩm, phân xưởng, bộ phận,…
Công thức tính chi phí sản xuất
Công thức tính tổng chi phí sản xuất phụ thuộc vào loại hình/ lĩnh vực kinh doanh, đặc tính của hàng hóa, ngành nghề, dịch vụ, cách tổ chức dữ liệu của công ty,…
Dưới đây là cách tính tổng chi phí sản xuất được áp dụng rộng rãi dành cho hầu hết các sản phẩm:
Chi phí sản xuất = Chi phí nguyên vật liệu + Chi phí lao động sản xuất + Chi phí quản lý sản xuất + Chi phí thiết bị, máy móc + Các chi phí khác.
Trong đó:
- Chi phí nguyên vật liệu: Gồm tất cả các chi phí liên quan đến việc tìm mua, nhập và xử lý nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm. Chi phí nguyên vật liệu = Số lượng nguyên vật liệu cần có x Trị giá đơn vị của mỗi nguyên vật liệu.
- Chi phí lao động sản xuất: Gồm tất cả các chi phí liên quan đến tiền lương, phúc lợi cho nhân viên tham gia vào sản xuất sản phẩm. Chi phí lao động sản xuất = Mức lương trung bình của lao động sản xuất x Số giờ lao động cần thiết.
- Chi phí quản lý sản xuất: Gồm tất cả các chi phí liên quan đến quá trình giám sát sản xuất hàng hóa. Chi phí quản lý sản xuất = Chi phí vận hành cơ sở sản xuất + Tiền lương và các phúc lợi cho nhân công quản lý sản xuất.
- Chi phí thiết bị, máy móc: Gồm tất cả các chi phí vận hành, sửa chữa và bảo trì máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất. Chi phí thiết bị, máy móc = Trị giá thiết bị và máy móc/ Tuổi thọ trung bình của thiết bị và máy móc.
- Các chi phí khác: Các chi phí không thuộc những danh mục đã kể trên, chẳng hạn như chi phí bảo hiểm, chi phí thuê mặt bằng, chi phí bảo hiểm, các chi phí bên thứ ba, chi phí hỗ trợ,…
Tham khảo ví dụ về trường hợp điển hình của cà phê Trung Nguyên – tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực cafe tại Việt Nam. Tại Trung Nguyên, báo cáo chi phí sản xuất là tổng của tất cả các khoản phí sau:
- Chi phí nguyên vật liệu: Gồm chi phí của các thành phần như cà phê, điện, nước, xăng dầu (trường hợp nhà xưởng mất điện), gia vị bơ, đường muối, phí bao bì đóng gói,…
- Chi phí lao động sản xuất: Lương và các phụ cấp, phúc lợi cho thợ rang, thợ phụ,…
- Chi phí quản lý sản xuất: Chi phí cho việc quản lý các hoạt động lên kế hoạch, kiểm soát sản xuất, kiểm tra chất lượng, quản lý tồn kho,… giúp hoạt động tạo và hoàn thiện thành phẩm cà phê diễn ra trơn tru.
- Chi phí thiết bị, máy móc: Chi phí đầu tư máy móc, thiết bị dụng cụ bảo hộ, chi phí cho thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý các chất thải (nước thải, khói bụi,…).
- Chi phí khác: Chi phí xây dựng nhà xưởng, kho bãi, chi phí kiểm nghiệm công bố sản phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chi phí nghiên cứu phát triển, chi phí thiết kế, in ấn, tồn trữ bảo quản, chi phí mã số mã vạch, chi phí đăng ký nhãn hiệu độc quyền,…
Mối quan hệ giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm
Chi phí để sản xuất gồm các khoản phí cố định và biến đổi trong quá trình sản xuất. Chúng thường được sử dụng để tính toán chi phí tổng thể của một doanh nghiệp.
Khi nâng cao hiệu suất, doanh thu của công ty tăng trong khi chi phí cố định không đổi. Do đó, phí sản xuất ra mỗi sản phẩm sẽ giảm, lợi nhuận thu được cao hơn. Chi phí cố định càng thấp càng thúc đẩy công ty mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ suất lợi nhuận khi tính gộp cả chi phí biến đổi.
Trong khi đó, giá thành sản xuất là tổng các chi phí trực tiếp phát sinh để sản xuất ra sản phẩm đó. Mục tiêu của mọi doanh nghiệp là mở rộng đến công suất tối đa khi sản xuất để giảm thiểu các khoản phí cố định trên mỗi mặt hàng.
Giá thành sản phẩm được tính toán dựa trên chi phí trực tiếp bao gồm phí nguyên vật liệu trực tiếp, phí nhân công trực tiếp và các khoản phí sản xuất chung. Đây là 3 khoản phí đóng góp trực tiếp vào quá trình tạo và hoàn thiện hàng hóa/ sản phẩm/ dịch vụ. Do đó, giá thành sản phẩm không bao gồm các khoản phải trả gián tiếp như tiền lương trả cho người quản lý, đồ dùng/ thiết bị văn phòng,…
Mối quan hệ giữa chi phí trong sản xuất và giá thành sản phẩm được biểu hiện như sau:
- Chi phí dùng trong sản xuất là căn cứ để tính giá thành sản phẩm.
- Giá thành sản phẩm là cơ sở để định giá sản phẩm, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mối quan hệ giữa chi phí dùng trong sản xuất và giá thành sản phẩm.
Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa hai yếu tố này, hãy tham khảo ngay ví dụ về các khoản phí dùng sản xuất và giá thành sản phẩm sau:
Giả sử doanh nghiệp A phải chi 100,000 USD cho việc thuê nhà xưởng và 15,000 USD cho việc bảo trì thiết bị định kỳ. Đây là các khoản phí không phụ thuộc vào khối lượng thành phẩm, cố định và bắt buộc phải trả. Vì thế, khối lượng hàng hóa thành phẩm đạt được càng lớn, chi phí tính trên mỗi đơn vị sẽ càng giảm đáng kể.
Ở ví dụ này, tổng chi phí cho sản xuất sẽ gồm 115,000 USD cho khoản cố định và các khoản biến đổi khác, do vậy tính được phí chi trả trong sản xuất cho mỗi sản phẩm sẽ là 150 USD. Giá thành mỗi sản phẩm là 500 USD, trừ đi khoản phí sản xuất thì doanh nghiệp thu được lợi nhuận 350 USD cho mỗi sản phẩm bán ra.
Cách tối ưu hóa chi phí sản xuất
Tùy vào nhu cầu, mục đích và thực trạng hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ có những phương án riêng để tối ưu hoá chi phí dùng trong sản xuất. Dưới đây là tổng hợp 6 cách tối ưu hoá chi phí trong sản xuất hiệu quả nhất, cụ thể:
- Tối ưu quy trình sản xuất: Nên thường xuyên thực hiện các đánh giá hiệu suất để kịp thời điều chỉnh, cải tiến quy trình, loại bỏ các bước không cần thiết, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng hiệu quả lao động.
- Tận dụng sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ hiện đại: Nên đầu tư vào các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại phù hợp với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp để nâng cao hiệu suất, giảm thời gian, tiết kiệm các khoản phải chi.
- Tìm kiếm nguồn vật liệu giá rẻ: Nên khảo sát tìm kiếm thêm các nhà cung cấp uy tín, cung cấp mức giá cạnh tranh để giảm chi phí trong sản xuất từ nguyên liệu đầu vào, nhân công trực tiếp.
- Tuyển chọn, đào tạo những lao động có tay nghề chuyên môn cao: Ví dụ về giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất, giảm thiểu sai sót.từ việc thực hiện các chương trình đào tạo, tuyển chọn, nâng cao tay nghề cho lao động.
- Tối ưu các chi phí quản lý: Nên tìm cách cắt giảm chi phí lương, thưởng, chi phí văn phòng phẩm, chi phí xăng xe đi lại, các khoản phúc lợi,.. Có thể thực hiện bằng cách sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu chuyên nghiệp, cắt giảm nhân viên quản lý,….
- Tối thiểu các khoản phí lưu kho: Nhà quản lý cần tìm cách cắt giảm chi phí bảo quản, chi phí hao hụt, chi phí thuê kho bãi,… Một số cách phổ biến thường được ứng dụng chẳng hạn như giảm số lượng hàng tồn kho, tận dụng tối đa diện tích kho bãi hay áp dụng các phương pháp bảo quản hàng hoá hiệu quả.
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây, Tamnhindautu sẽ giải đáp một số vấn đề thường gặp khi tìm hiểu về chi phí trong sản xuất:
Chi phí sản xuất là gì?
Chi phí sản xuất là tất cả các khoản doanh nghiệp phải chi trả phục vụ cho sản xuất, chế tạo và hoàn thiện một sản phẩm, dịch vụ.
Chi phí ngoài sản xuất là gì?
Chi phí ngoài sản xuất là các khoản chi phí phát sinh ngoài quá trình chế tạo, hoàn thiện sản phẩm nhưng vẫn liên quan đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Chi phí ngoài sản xuất gồm hai khoản phí chính:
- Chi phí bán hàng: Khoản phí phát sinh trong quá trình bán và phân phối sản phẩm như tiếp thị, quảng cáo, vận chuyển, khuyến mãi, bảo hiểm,…
- Chi phí quản lý doanh nghiệp: Khoản phí phát sinh do hoạt động quản lý, điều hành như lương, thưởng, chế độ phúc lợi cho cấp quản lý, điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm,…
Các khoản phí sản xuất và giá thành sản phẩm khác nhau như thế nào?
Giá thành sản phẩm chỉ bao gồm các chi phí để sản xuất trực tiếp như nguyên vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp và chi phí cho sản xuất chung. Trong khi chi phí để sản xuất bao gồm cả các khoản phí trực tiếp và các chi phí gián tiếp như tiền lương thưởng cho quản lý, văn phòng phẩm,…
Trên đây, Tamnhindautu đã tổng hợp những thông tin quan trọng liên quan đến chi phí sản xuất: định nghĩa, công thức tính, phân loại, ví dụ và gợi ý 6 cách tối ưu các loại chi phí sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, đạt được lợi thế cạnh tranh và phát triển, do đó bạn nên tìm hiểu và nắm rõ các thông tin liên quan đến yếu tố này để xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh tối ưu nhất nhé!