Thứ hai, Tháng mười 7, 2024
HomeKiến thứcCo giãn của cung theo giá (Price Elasticity of Supply) là gì?

Co giãn của cung theo giá (Price Elasticity of Supply) là gì?

Share

Trong kinh tế học, các phản ứng của lượng cung trước sự biến động của thị giá hàng hóa được đo lường bằng thuật ngữ độ co giãn của cung theo giá. Thuật ngữ này cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng khác về hàng hóa, thị trường,… Cùng Tamnhindautu tìm hiểu chi tiết khái niệm, phân loại, công thức hệ số co giãn của cung theo giá ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Độ co giãn của cung theo giá là gì?

Độ co giãn của cung theo giá (Price Elasticity of Supply, viết tắt là PES hoặc Es) là một thuật ngữ kinh tế đo lường mức độ phản ứng của cung hàng hoá trước sự thay đổi trong thị giá của hàng hoá, dịch vụ đó (với điều kiện các yếu tố khác được giữ nguyên). 

Độ co giãn cung theo giá được biểu thị dưới dạng số và được định nghĩa là phần trăm thay đổi về sản lượng chia cho mức thay đổi về giá. 

Hệ số co giãn của cung theo giá là gì
Độ co giãn của cung theo giá là gì?

Ví dụ về độ co giãn của cung theo giá: Giá dưa hấu sẽ giảm nếu có quá nhiều nông dân trồng loại quả này. Tuy nhiên, đến cuối vụ, học vẫn phải tiến hành thu hoạch và bán với mức giá thấp hơn. Song trong thời gian tới, người nông dân có thể sẽ trồng ít dưa hấu hơn và chuyển sang các loại hoa quả khác có tiềm năng kinh tế hơn.

Công thức tính độ co giãn của cung theo giá

Công thức tính

Thước đo độ co giãn cung theo giá là tỷ lệ phần trăm giữa sự thay đổi của lượng cung hàng hóa với sự thay đổi trong mức giá của hàng hóa đó.

Cụ thể, công thức tính hệ số co giãn cung theo giá như sau:

Công thực độ co giãn của cung theo giá
Công thức tính độ co giãn của cung theo giá.

Ví dụ: Khi eS = 2 tức là nếu giá mặt hàng A tăng lên 1% sẽ kéo theo sự gia tăng lượng cung hàng hóa là 2%, Hoặc nếu eS = 5 cho biết khi thị giá mặt hàng A tăng 1% thì lượng cung mặt hàng đó tăng tới 5%. Như vậy, cùng một mức độ thay đổi về giá như nhau (thay đổi tăng 1%), lượng cung trong ví dụ đầu tiên sẽ biến động nhẹ hơn so với ở ví dụ thứ hai. 

Phương thức tính

Co giãn điểm

Co giãn điểm là sự co giãn tại 1 điểm nhất định trên đường cung. Bạn nên áp dụng phương thức tính co giãn điểm khi chỉ nhận thấy sự thay đổi rất nhỏ giữa lượng cung và các yếu tố ảnh hưởng khác. 

Công thức tính co giãn điểm:

Tính hệ số co giãn của cung theo giá theo co giãn điểm
Cách tính độ co giãn của cung theo giá trong trường hợp co giãn điểm.

Co giãn khoảng 

Co giãn khoảng là sự co giãn ở 1 khoảng hữu hạn trên đường cung. Phương thức tính co giãn khoảng được ứng dụng khi nhận thấy sự thay đổi lớn giữa lượng cung và những yếu tố ảnh hưởng khác.

Công thức tính co giãn khoảng:

Tính độ co giãn của cung theo co giãn khoảng
Cách tính hệ số co giãn của cung theo giá trường hợp co giãn khoảng.

Phân loại hệ số co giãn của cung theo giá

Tùy vào phản ứng của cung khi giá hàng hóa thay đổi mà người ta chia hệ số co giãn của cung theo giá thành 5 loại sau. Cụ thể:

Cung ít co giãn

Cung ít co giãn trong trường hợp giá hàng hóa thay đổi 1% chỉ khiến cho lượng cung hàng hóa đó thay đổi ít hơn 1%. 

Đặc điểm hệ số cung ít co giãn:

  • Người sản xuất ít nhạy cảm với các biến động giá.
  • Đường cung dốc.
Đặc điểm hệ số cung ít co giãn
Đặc điểm hệ số cung ít co giãn.

Cung co giãn tương đối theo giá

Cung co giãn tương đối theo giá xảy ra khi giá hàng hóa thay đổi 1% khiến cung hàng hóa đó thay đổi nhiều hơn 1%.

Đặc điểm hệ số cung co giãn tương đối theo giá:

  • Người sản xuất rất nhạy cảm khi có những biến động giá.
  • Đường cung thoải.
Hệ số cung có giãn theo giá tương đối
Cung co giãn tương đối theo giá.

Cung co giãn đơn vị

Cung co giãn đơn vị xảy ra khi giá hàng hóa thay đổi 1% khiến lượng cung hàng hóa thay đổi đúng 1%. Trường hợp này rất hiếm xảy ra trong thực tế, sự co giãn đơn vị chỉ có trên lý thuyết.

Trường hợp cung co giãn theo đơn vị
Trường hợp cung co giãn đơn vị.

Cung hoàn toàn không co giãn

Cung hoàn toàn không co giãn tức là lượng cung hàng hóa luôn giữ nguyên bất kể giá hàng hóa đó thay đổi bao nhiêu phần trăm.

Đặc điểm hệ số cung hoàn toàn không co giãn:

  • Người sản xuất luôn bán lượng hàng Q1 tại mọi mức giá.
  • Đường cung thẳng đứng và song song với trục tung.
Đặc điểm hệ số cung hoàn toàn không co giãn
Đặc điểm hệ số cung hoàn toàn không co giãn.

Cung co giãn hoàn toàn

Cung co giãn hoàn toàn xảy ra khi giá không đổi nhưng lượng cung vẫn thay đổi. Ngoài ra, khi có sự thay đổi rất nhỏ về giá, lượng cung sẽ giảm tới 0.

Đặc điểm cung co giãn hoàn toàn:

  • Người tiêu dùng chỉ mua hàng hóa ở mức giá P1 duy nhất.
  • Đường cung nằm ngang và song song với trục hoành.
Đặc điểm cung co giãn hoàn toàn
Đặc điểm cung co giãn hoàn toàn

Các yếu tố ảnh hưởng đến co giãn của cung theo giá

Mức giá hàng hóa xuất phát được xem xét

Yếu tố quan trọng quyết định độ co giãn của cung theo giá là mức giá hàng hóa xuất phát được xem xét. Cụ thể:

  • Nếu mức giá xuất phát thấp hơn trị giá thực của hàng hóa: Khi giá thị trường hàng hóa tăng, lượng cung tăng theo, chứng minh độ co giãn tương đối của cung theo giá. 
  • Nếu giá hàng hóa xuất phát được xem xét bằng hoặc cao hơn giá trị thực: Khi thị giá tăng, lượng cung không thay đổi quá nhiều, cung hàng hóa đó thường ít co giãn, thậm chí hoàn toàn không co giãn.
Giá hàng hóa ảnh hưởng đến độ co giãn của cung theo giá
Phân tích các ảnh hưởng từ mức giá xuất phát của hàng hóa được xem xét

Độ dốc của đường cung

Độ dốc của đường cung còn tuỳ thuộc vào tính chất của quá trình sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Có hai trường hợp về sự điều chỉnh các yếu tố đầu vào để phù hợp với biến động giá cả và nhu cầu thị trường như sau:

  • Nếu có thể dễ dàng điều chỉnh các yếu tố sản xuất đầu vào: Đường cung tương đối thoải, hệ số co giãn của cung theo giá cũng sẽ lớn.
  • Nếu việc điều chỉnh yếu tố đầu vào khó khăn: Đường cung sẽ tương đối dốc đứng, độ co giãn của cung sẽ nhỏ.

Ví dụ: Khi giá khẩu trang y tế tăng, chủ cơ sở sản xuất có thể tăng lượng cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường bằng cách điều chỉnh tăng số lượng nhân công, tăng giờ làm,… Việc này sẽ dễ thực hiện hơn so với việc ngay lập tức tăng sản lượng gạo để đáp ứng nguồn cầu thị trường. Bởi lượng cung gạo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, quỹ đất, quy trình chăm sóc,… Do vậy, trong cùng 1 điều kiện thì cung về gạo sẽ ít co giãn hơn so với cung về sản phẩm khẩu trang y tế.

Khả năng thay thế của các yếu tố sản xuất

Phản ứng của cung với giá hàng hóa còn phụ thuộc vào khả năng thay thế của các yếu tố sản xuất, cụ thể:

  • Những hàng hóa, dịch vụ được sản xuất bằng các yếu tố sản xuất phổ biến sẽ có hệ số độ co giãn của cung theo giá cao.
  • Những hàng hóa, dịch vụ được sản xuất bằng các yếu tố sản xuất hiếm có hoặc duy nhất thường có hệ số co giãn cung theo giá thấp, thậm chí hoàn toàn không co giãn.
Ví dụ về độ co giãn của cung theo giá
Ví dụ về độ co giãn của cung theo giá trước ảnh hưởng của các yếu tố sản xuất.

Khoảng thời gian sau khi giá thay đổi

Khoảng thời gian sau khi giá thay đổi càng dài thì hệ số co giãn của cung theo giá càng lớn. Tức là, cung thường ít co giãn theo giá trong ngắn hạn và co giãn nhiều hơn trong dài hạn. 

Ví dụ: Khi có quá nhiều hộ gia đình kinh doanh mặt hàng trà sữa, lượng cung tăng sẽ khiến giá trà sữa giảm. Tuy nhiên trong ngắn hạn, các hộ gia đình vẫn phải bán sản phẩm này để xử lý tồn nguyên vật liệu. Song, trong dài hạn, đa phần các hộ gia đình sẽ chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác như nước mía, nước ép,…

Một số bài tập về độ co giãn của cung theo giá

Giả sử có hàm số cung mặt hàng A được biểu diễn như sau Qs = 10*P – 10. 

Câu 1: Hãy tính độ co giãn của cung theo giá tại hai mức giá riêng biệt (P = 3, P = 10).

Câu 2: Hãy xác định độ co giãn cung theo giá trong khoảng giá từ 3 đến 10.

Câu 3: Giả sử, giá thị trường mặt hàng A dao động trong khoảng từ 3 đến 10. Hãy nhận định về tính khan hiếm của nguồn lực trong việc kinh doanh, sản xuất mặt hàng A ở thời điểm hiện tại.

Tham khảo lời giải dưới đây:

Câu 1:

  • Tại mức giá P = 3, ta tính được lượng cung Q = 10*P – 10 = 10*3 – 10 = 20. Khi đó, ta tính được hệ số co giãn cung theo giá Es = c*P/Q = 10*3/20 = 1.5
  • Tại mức giá P = 10, ta tính được lượng cung Q = 10*P – 10 = 10*10 – 10 = 90. Khi đó, ta tính được hệ số co giãn cung theo giá Es = c*P/Q = 10*10/90 = 1.1

Câu 2:

Theo kết quả từ câu 5.1, ta có lượng cung tại mức giá P = 3 là 20 và lượng cung tại mức giá P = 10 là 90.

Áp dụng công thức độ co giãn của cung theo giá, ta tính được: Es = (90/110)*(13/7) = 1.52

Câu 3:

Es > 1 cho thấy cung của mặt A tương đối co giãn so với giá. Tức là nếu giá thay đổi tăng 1% thì lượng cung của mặt hàng A cũng sẽ tăng tới 1.52%. Điều này đồng nghĩa rằng nguồn lực để sản xuất ra mặt hàng A không quá khan hiếm. Chủ sản xuất có thể dễ dàng điều chỉnh tăng sản lượng để đáp ứng sự gia tăng của nhu cầu thị trường hoặc giá cả hàng hoá.

Cách tính hệ số co giãn của cung theo giá
Bài tập tính độ co giãn của cung theo giá

Trên đây Tamnhindautu đã tổng hợp những thông tin quan trọng về thuật ngữ độ co giãn của cung theo giá: khái niệm, phân loại, công thức tính và ví dụ thực tế,… Hệ số co giãn của cung theo giá phản ánh mức độ nhạy cảm của cung trước sự thay đổi của giá, qua đó cung cấp cho chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người tiêu dùng những thông tin thị trường quan trọng. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thuật ngữ kinh tế hữu dụng này. 

Xem thêm

Liên quan