Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024
HomeKiến thứcĐường cong Phillips - Mối liên hệ giữa thất nghiệp và lạm...

Đường cong Phillips – Mối liên hệ giữa thất nghiệp và lạm phát

Share

Đường cong Phillips là một khái niệm quan trọng trong kinh tế học, đóng vai trò then chốt trong việc lý giải mối quan hệ phức tạp giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Đây là công cụ hữu ích để các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về sự “đánh đổi” giữa hai yếu tố này, thường được gọi là “trade-off”. Trong bài viết này, hãy cùng Tamnhindautu tìm hiểu về khái niệm này cùng vai trò của nó trong kinh tế học.

Đường cong Phillips là gì?

Đường cong Phillips (Phillips curve) là một mô hình kinh tế nổi bật được đặt theo tên nhà kinh tế học Alban William Phillips thể hiện mối quan hệ ngược chiều giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát hoặc thay đổi tiền lương. Phát hiện lần đầu vào năm 1958, mô hình này cho rằng khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, lạm phát có xu hướng tăng lên, và ngược lại.

đường phillips biểu diễn quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát
Đồ thị biểu thị đường cong Phillips

Đường Phillips hoạt động như thế nào?

Đường Phillips ngắn hạn

Trong ngắn hạn, đường cong phillips ngắn hạn thể hiện một mối quan hệ nghịch biến giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. Khi nền kinh tế hoạt động gần mức công suất tối đa, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Điều này dẫn đến việc nhu cầu lao động tăng cao, khiến người sử dụng lao động phải nâng cao mức lương để thu hút và giữ chân nhân viên. Mức lương cao hơn làm tăng chi phí sản xuất, và điều này thường dẫn đến việc các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm, từ đó làm gia tăng lạm phát.

Trái ngược với tình trạng này là nhu cầu tiêu dùng và sản xuất giảm do tỷ lệ thất nghiệp tăng. Điều này tạo ra áp lực giảm tiền lương do cung lao động vượt quá cầu. Kết quả là, lạm phát giảm hoặc thậm chí có thể xảy ra tình trạng giảm phát, vì các nhà sản xuất dễ dàng tìm được lao động với mức lương thấp hơn.

Trong ngắn hạn, nhà hoạch định chính sách có thể lựa chọn giữa việc chấp nhận mức lạm phát cao hơn để giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoặc giữ lạm phát ở mức thấp và đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Đây là sự đánh đổi mà Đường Cong Phillips thể hiện.

dọc theo đường phillips ngắn hạn
Hình minh họa 1: Đường Phillips ngắn hạn

Đường Phillips dài hạn

Tuy nhiên, trong dài hạn, mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn. Theo lý thuyết của Milton Friedman và Edmund Phelps, Đường Cong Phillips trở nên thẳng đứng, chỉ ra rằng không có sự đánh đổi lâu dài giữa lạm phát và thất nghiệp. Lý do là tỷ lệ thất nghiệp sẽ quay về mức tự nhiên – mức thất nghiệp không gây ra áp lực lạm phát tăng.

Friedman và Phelps cho rằng các chính sách nhằm điều chỉnh lạm phát có thể chỉ hiệu quả trong ngắn hạn và sẽ không thay đổi tỷ lệ thất nghiệp dài hạn. Thay vì cố gắng giảm thất nghiệp dưới mức tự nhiên, các ngân hàng trung ương nên tập trung vào việc kiểm soát lạm phát và duy trì kỳ vọng lạm phát ổn định để ổn định nền kinh tế.

Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard, từng thảo luận về việc làm phẳng Đường Cong Phillips. Ông nhấn mạnh rằng trong suốt 20 năm qua, Fed đã tập trung nhiều hơn vào mục tiêu lạm phát, và kết quả là lạm phát ở Mỹ đã giảm và trở nên ổn định hơn. Bullard cũng bổ sung rằng hiện nay, mối quan hệ giữa hiệu quả của thị trường lao động và tỷ lệ lạm phát đã trở nên ít quan trọng hơn so với trước đây.

đường cong phillips ngắn hạn và dài hạn
Hình minh họa 2: Đường Phillips dài hạn

Mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát qua qua đường Phillips

Đường Phillips mô tả mối quan hệ giữa tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát, thể hiện sự đánh đổi giữa hai yếu tố này. Hình minh họa 2 cho thấy, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ điểm A xuống điểm B do sự gia tăng tổng cầu, tỷ lệ thay đổi tiền lương (hay lạm phát) tăng từ điểm C lên điểm D. Điều này phản ánh thực tế rằng trong ngắn hạn, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, doanh nghiệp thường tăng lương để thu hút và giữ chân lao động. Tăng lương làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng và lạm phát gia tăng.

Ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và có xu hướng giảm lương để duy trì khả năng cạnh tranh. Điều này làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và giảm lạm phát.

Tuy nhiên, trong dài hạn, mối quan hệ nghịch đảo giữa lạm phát và thất nghiệp không duy trì. Nền kinh tế có xu hướng điều chỉnh để trở lại mức tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên (NAIRU – Non-Accelerating Inflation Rate of Unemployment). NAIRU là mức thất nghiệp mà tại đó lạm phát không tăng cũng không giảm. Nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm dưới mức NAIRU, lạm phát bắt đầu gia tăng.

Mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát qua qua đường Phillips
Mức tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên

Ví dụ, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới mức tự nhiên, lạm phát có xu hướng tăng nhanh hơn. Để đối phó với chi phí lao động tăng, doanh nghiệp sẽ nâng giá sản phẩm, làm lạm phát cao hơn. Khi lạm phát gia tăng, kỳ vọng lạm phát của người lao động cũng tăng, dẫn đến yêu cầu tăng lương cao hơn nữa. Điều này có thể tạo ra một vòng xoáy lạm phát, nơi lạm phát cao hơn dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp quay về mức tự nhiên, nhưng với tỷ lệ lạm phát cao hơn.

đường cong phillips phản ánh mối quan hệ đánh đổi giữa tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp
Sự nghịch đảo của lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp trong ngắn hạn

Lý thuyết đường Phillips được chấp nhận rộng rãi vào giữa thế kỷ 20, tuy nhiên đã gặp phải thách thức lớn với sự xuất hiện của “stagflation” (lạm phát đi kèm với suy thoái kinh tế) trong những năm 1970. Hiện tượng này làm cho lý thuyết Phillips cổ điển không còn hoàn toàn chính xác.

Để giải thích hiện tượng này, nhiều nhà kinh tế đã phát triển mô hình đường Phillips mở rộng, bao gồm yếu tố kỳ vọng. Theo mô hình mở rộng này, khi người lao động và doanh nghiệp dự đoán lạm phát trong tương lai, họ sẽ điều chỉnh hành vi của mình, làm cho lạm phát có thể xảy ra ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp không giảm xuống mức thấp.

Ý nghĩa của đường cong Phillips với chính sách tiền tệ

Đường cong Phillips từ lâu đã là một công cụ quan trọng và gây nhiều tranh cãi trong các cuộc thảo luận về chính sách tiền tệ. Nó mô tả mối quan hệ giữa hai biến số kinh tế vĩ mô cốt yếu: lạm phát và chênh lệch sản lượng, hay còn gọi là khoảng cách giữa sản lượng thực và sản lượng tiềm năng. Sản lượng tiềm năng là mức sản lượng tối đa mà nền kinh tế có thể đạt được khi sử dụng toàn bộ nguồn lực một cách hiệu quả. Khi sản lượng thực tế vượt qua mức tiềm năng này, áp lực lạm phát thường sẽ gia tăng.

Các chuyên gia kinh tế giải thích hiện tượng này là tổng cầu cao. Khi tổng cầu tăng, các doanh nghiệp sẽ bán được nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, buộc họ phải tăng cường sản xuất bằng cách tuyển thêm lao động và mua sắm thêm nguyên liệu. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng chi phí sản xuất. Khi chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp có xu hướng chuyển phần chi phí này vào giá thành sản phẩm, từ đó gây ra lạm phát. Mối quan hệ này giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp được mô tả qua đường cong Phillips.

Ban đầu, Phillips đưa ra mô hình này với mục đích giải thích mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tiền lương. Từ đó, nó đã phát triển thành một công cụ để các ngân hàng trung ương sử dụng trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Bằng cách điều chỉnh lãi suất, ngân hàng trung ương có thể tác động đến quyết định đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm của người dân và doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến tổng cầu, sản lượng, và tỷ lệ thất nghiệp. Những thay đổi này cuối cùng sẽ quyết định sự biến động của tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế.

Đường cong Phillips cung cấp một khung lý thuyết quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc giữa việc kiểm soát lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Bullard đã giải thích trong bài thuyết trình vào tháng 2 năm 2019 rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và các nhà đầu tư thị trường tài chính Mỹ đã từ lâu dựa vào đường cong Phillips để định hướng chính sách tiền tệ. Điều này cho thấy rằng mặc dù đường cong Phillips có những giới hạn, nó vẫn là một công cụ hữu ích trong việc dự báo và phân tích chính sách.

đường cong phillips ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách tiền tệ
Đầu tư tài chính với chính sách đảo chiều tiền tệ

 Chủ tịch Fed New York John Williams cũng nhấn mạnh rằng “Đường cong Phillips là mô liên kết giữa mục tiêu nhiệm vụ kép của Cục Dự trữ Liên bang là việc làm tối đa và ổn định giá cả. Mặc dù thường xuyên tuyên bố về sự sụp đổ của nó, đường cong Phillips vẫn tồn tại.” Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế để đảm bảo ổn định dài hạn

Đường cong phillips là cơ sở để kiểm soát lạm phát
 Việt Nam đã kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trong vòng 9 năm qua

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của đường cong Phillips, hãy cùng Tamnhindautu theo dõi các ví dụ sau:

Ví dụ 1: Khủng hoảng tài chính 2008

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất xuống gần 0% để kích thích tăng trưởng kinh tế. Chính sách này nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng cũng dẫn đến sự gia tăng lạm phát do cung tiền lớn hơn. Theo báo cáo của Fed vào năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên khoảng 10% trong khi lạm phát ở mức thấp hơn so với các năm trước đó, minh họa rõ ràng mối quan hệ nghịch đảo giữa lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn.

Ví dụ 2: Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương châu âu (ECB)

Khi lạm phát gia tăng ở khu vực Eurozone, ECB đã quyết định tăng lãi suất để giảm áp lực giá cả. Cụ thể, vào năm 2011, ECB đã tăng lãi suất từ 1% lên 1.5% nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, động thái này đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia thành viên, như Hy Lạp và Tây Ban Nha, nơi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục.

đường cong phillips thể hiện điều gì
Ứng dụng đường cong Phillips trong chính sách tiền tệ

Đường cong Phillips cũng được ứng dụng phổ biến tại Việt Nam. Khi lạm phát giảm, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Điển hình là Biểu đồ biểu thị Mối tương quan lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam từ  từ 2010-2023 dưới đây:

đường cong phillips cho thấy tương quan giữa thất nghiệp và lạm phát
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ở Việt Nam từ 2010-2023( Nguồn: Tổng cục thống kê)

Một số câu hỏi liên quan đến đường cong Phillips

Đường cong Phillips là một khái niệm kinh tế phức tạp và gây tranh cãi. Dưới đây là một số giải đáp thắc mắc, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Tại sao đường con Phillips lại phẳng?

Trong dài hạn, đường cong Phillips trở nên phẳng do mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát dần mất đi. Nguyên nhân chính là nền kinh tế luôn hướng về mức “tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên,” nơi mà lạm phát không còn ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài ra, khi kỳ vọng lạm phát trở nên ổn định, hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ điều chỉnh theo, làm giảm sự phụ thuộc của lạm phát vào thất nghiệp. Doanh nghiệp cũng điều chỉnh giá cả và lương bổng theo mức lạm phát dự kiến, khiến lạm phát ít bị tác động bởi thị trường lao động.

Tại sao các tranh luận về đường Phillips lại quan trọng?

Tranh luận về đường cong Phillips có ý nghĩa quan trọng vì nó ảnh hưởng đến quyết định chính sách kinh tế. Nếu tin rằng thất nghiệp thấp gây ra lạm phát cao, các nhà làm chính sách có thể tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Ngược lại, nếu họ cho rằng mối quan hệ này đã yếu đi, họ có thể ưu tiên giảm thất nghiệp mà không lo ngại quá nhiều về lạm phát. Những quan điểm này dẫn đến các chiến lược kinh tế khác nhau.

Đường cong Phillips trong ngắn hạn thể hiện điều gì?

Trong ngắn hạn, đường cong Phillips cho thấy sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp. Cụ thể, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, lạm phát thường tăng do chi phí lao động cao hơn. Ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, lạm phát có xu hướng giảm do chi phí sản xuất và giá cả ổn định hơn.

Bài viết đã giúp bạn giải mã những thông tin liên quan đến đường cong Phillips. Theo đó, việc hiểu rõ và áp dụng đúng đắn đường cong Phillips sẽ giúp các nhà làm chính sách đưa ra những quyết định kinh tế phù hợp, cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát và giảm thiểu thất nghiệp, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế. Nếu cần được tư vấn cụ thể hơn, hãy liên hệ Tamnhindautu để được hỗ trợ!

Xem thêm

Liên quan