Mục Lục
Là một thuật ngữ quan trọng trong kinh tế và quản lý, lợi ích cận biên có thể giúp các doanh nghiệp hiểu thêm nhiều về hành vi tiêu dùng và quyết định mua sắm của khách hàng. Tuy nhiên, không phải nhà quản trị nào cũng hiểu rõ cách tính toán và ứng dụng của lợi ích cận biên. Vậy cụ thể thì lợi ích cận biên là gì? Hãy cùng Tamnhindautu tìm hiểu tất tần tận về thuật ngữ này ở dưới đây nhé!
Lợi ích cận biên là gì?
Lợi ích cận biên (Marginal Utility – MU) là một thuật ngữ chỉ mức lợi ích, hài lòng tăng thêm do tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa, hoặc dịch vụ.
Hiểu đơn giản hơn, lợi ích cận biên mô tả sự hài lòng bổ sung của người tiêu dùng nhận được sau khi họ tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa, dịch vụ nhất định. Chính vì vậy, các nhà kinh tế học thường dựa vào lợi ích cận biên để xác định mức độ sẵn sàng mua của người dùng đối với một đơn vị sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.
Trong trường hợp lợi ích cận biên dương, việc tiêu thụ thêm một đơn vị mặt hàng sẽ làm tăng sự hài lòng tổng thể của người dùng. Ngược lại, lợi ích cận biên âm có nghĩa là việc tiêu thụ thêm một sản phẩm sẽ làm giảm sự hài lòng tổng thể của người dùng.
Nguồn gốc của quy luật lợi ích cận biên
Lợi ích cận biên (Marginal Utility) là một khái niệm được các nhà kinh tế học phát triển khi cố gắng giải thích hiện thực của giá cả (The economic reality of price). Bắt đầu vào khoảng thế kỷ 18, nhà kinh tế học Adam Smith đã thảo luận về “nghịch lý của nước và kim cương” (The Diamond – Water Paradox). Nghịch lý này nêu rằng nước có giá trị thấp hơn nhiều so với kim cương, mặc dù nước là một yếu tố không thể thiếu đối với sự tồn tại của con người.
Nghịch lý này nhanh chóng trở lên phổ biến và hấp dẫn các nhà kinh tế, triết gia trên toàn thế giới. Cuối cùng, vào những năm 1870, ba nhà kinh tế học William Stanley Jevons, Carl Menger và Leon Walras đã đưa ra kết luận rằng lợi ích cận biên mới là lời giải thích phù hợp nhất với nghịch lý nước và kim cương. Cụ thể trong cuốn sách “The Theory of Political Economy”, Jevons giải thích rằng các quyết định kinh tế được đưa ra dựa trên lợi ích “cuối cùng” (lợi ích cận biên) chứ không phải tiện ích tổng thể.
Ví dụ về lợi ích cận biên
Hãy thử tưởng tượng, David đang có bốn bịch Socola trong tủ lạnh và anh quyết mua thêm một bịch thứ năm. Trong khi đó, Kevin đang có 6 bịch Socola trong tỷ lạnh và cũng chọn mua thêm một bịch nữa.
Khi này, David đang được hưởng lợi bởi anh cảm thấy thỏa mãn khi có đủ Socola trong tủ lạnh và đặc biệt là không phải đến cửa hàng để mua sắm trong vài ngày tới. Tuy nhiên đối với Kevin, anh ấy lại đang cảm thấy bản thân đang mua nhiều Socola hơn mức cần thiết và tiêu xài một cách không hợp lý. Khi không còn cảm giác thỏa mãn khi tiêu thụ sản phẩm, lợi ích cận biên của Kevin đang giảm dần và nhu cầu tiêu dùng cũng không còn.
Dựa trên kịch bản trên, ta có thể thấy lợi ích cận biên của người dùng sẽ ngày càng giảm khi họ tiêu thụ sản phẩm một cách dư thừa. Cuối cùng, khi cảm thấy không còn thỏa mãn về việc tiêu dùng, mức lợi ích cận biên sẽ bằng không và quá trình tiêu dùng sản kết thúc.
3 loại lợi ích cận biên thường gặp
Trên thực tế, lợi ích cận biên có thể chia thành rất nhiều dạng khác nhau dựa theo mức độ thỏa mãn của người tiêu dùng khi tiêu thụ thêm sản phẩm. Nhưng nhìn chung, chúng ta sẽ có ba loại lợi ích cận biên phổ biến nhất, bao gồm:
- Lợi ích biên dương (Positive Marginal Utility): Lợi ích cận biên dương xảy ra khi việc tiêu dùng càng nhiều đơn vị hàng hóa sẽ đem lại càng nhiều sự hài lòng bổ sung cho người tiêu dùng. Chẳng hạn, bạn thích ăn một miếng bánh và việc ăn thêm miếng bánh thứ hai sẽ khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn. Khi này, lợi ích cận biên của việc tiêu thụ bánh là dương.
- Lợi ích cận biên bằng không (Zero Marginal Utility): Lợi ích cận biên bằng không xảy ra khi việc tiêu thụ nhiều đơn vị mặt hàng không mang lại thêm sự thỏa mãn cho người dùng. Ví dụ, việc ăn hai miếng bánh đang khiến bạn khá no và không thực sự cảm thấy khá hơn sau khi ăn miếng bánh thứ ba. Khi này, lợi ích cận biên của việc tiêu thụ bánh đang bằng không.
- Lợi ích cận biên âm (Negative Marginal Utility): Lợi ích cận biên âm xảy ra khi người tiêu dùng có hành vi tiêu dùng quá mức, họ sở hữu có quá nhiều đơn vị mặt hàng và việc tiêu thụ nhiều hơn có thể gây hại. Ví dụ, việc ăn thêm miếng bánh thứ tư có thể khiến lượng đường huyết của bạn tăng cao, khiến cơ thể cảm thấy không khỏe sau một thời gian ngắn sau đó.
Các thuật ngữ liên quan
Dưới đây là một số thuật ngữ có liên quan đến lợi ích cận biên mà bạn đọc cần nắm rõ. Bao gồm:
- Lợi ích (Utility) là sự hài lòng và thỏa mãn mà người dùng nhận được khi tiêu thụ các sản phẩm, hoặc dịch vụ cụ thể. Ví dụ, một người đang cảm thấy khát nước sẽ có độ hài lòng cao khi mua một chai nước để giải khát.
- Tổng lợi ích (Total Utility -TU) là tổng thể của sự hài lòng và thỏa mãn khi tiêu dùng toàn bộ hàng hóa, hoặc dịch vụ nào đó. Trong đó, lợi ích cận biên ảnh hưởng đến tổng lợi ích. Cụ thể, tổng lợi ích tăng lên khi lợi ích cận biên dương, trong khi lợi ích cận biên âm làm giảm tổng lợi ích.
Công thức tính lợi ích cận biên
Ta có, công thức tính lợi ích cận biên cụ thể như sau:
Marginal Utility (MU) = ΔTU / ΔQ |
Trong đó:
- MU là ký hiệu của mức lợi ích cận biên.
- ΔTU là sự thay đổi trong tổng lợi ích sau khi tiêu thụ toàn bộ đơn vị hàng hóa.
- ΔQ là sự thay đổi về số lượng đơn vị hàng hóa, dịch vụ được tiêu thụ.
Lưu ý:
- Sự thay đổi trong tổng tiện ích (ΔTU) được xác định bằng cách lấy tổng lợi ích hiện tại trừ đi tổng lợi ích trước đó (TU2 – TU1).
- Sự thay đổi trong số lượng đơn vị hàng hóa được tiêu thụ (ΔQ) được xác định bằng cách lấy số lượng đơn vị hàng hóa hiện tại trừ đi số lượng đơn vị hàng hóa trước đó (Q2-Q1).
Ví dụ minh họa: Giả sử anh A là một người hảo ngọt và anh rất thích ăn bánh quy. Như vậy, anh sẽ cảm thấy rất vui vẻ mỗi khi ăn một chiếc bánh quy và tổng lợi ích nhận được từ chiếc bánh quy đầu tiên có thể ước tính là 5. Nếu ăn tiếp chiếc bánh quy thứ hai, anh A sẽ cảm thấy hài lòng hơn và tổng lợi ích được ước tính là 9.
Như vậy, ta có thể tính mức lợi ích cận biên như sau: MU = (9 – 5) / (2-1) = 4.
Ý nghĩa của lợi ích cận biên
Là một thuật ngữ quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và quản trị, việc nắm rõ mức lợi ích cận biên có thể giúp các nhà quản trị doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi tiêu dùng và quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Marginal Utility cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng khác, cụ thể như:
- Xác định giá cả hàng hóa và dịch vụ: Nhà quản trị doanh nghiệp có thể dựa vào lợi ích cận biên để xác định giá cả của mặt hàng. Bởi lợi ích cận biên cao nghĩa là người tiêu dùng cảm thấy nhiều sự thỏa mãn khi tiêu dùng mỗi đơn vị sản phẩm. Như vậy, họ cũng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn để tiêu dùng mặt hàng đó.
- Hiểu về hành vi tiêu dùng: Lợi ích cận biên giúp doanh nghiệp hiểu rằng việc tiêu thụ một sản phẩm sẽ luôn đem đến sự thỏa mãn cho người dùng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, việc tiêu dùng quá mức cũng sẽ dẫn đến việc không còn nhu cầu tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp cần tìm kiếm điểm thỏa mãn để thực hiện các chiến lược bán hàng phù hợp.
- Quản lý nguồn lực: Lợi ích cận biên có thể được sử dụng để quản lý các chính sách tài chính và tài nguyên của tổ chức. Điều này cũng tương tự với việc các bộ máy chính phủ có sử dụng nguyên tắc lợi ích cận biên giảm dần để đưa ra các quyết định về hệ thống thuế lũy tiến.
- Thiết kế sản phẩm và dịch vụ: Lợi ích cận biên cho biết việc tiêu thụ bao nhiêu sản phẩm sẽ khiến người cảm thấy đủ thỏa mãn. Dựa vào yếu tố này, doanh nghiệp có thể thiết kế sản phẩm và dịch vụ một cách phù hợp hơn. Chẳng hạn, người tiêu dùng sẽ cảm thấy thỏa mãn khi ăn 500g khoai chiên. Vì vậy, thay vì bán gói khoai chiên 500g thì doanh nghiệp có thể bán các gói khoai chiên nhỏ hơn (300-350g) để khiến người dùng mua hàng nhiều hơn.
- Tối ưu hóa hành vi tiêu dùng: Người tiêu dùng cũng có thể dựa vào lợi ích cận biên để đưa ra các quyết định mua sắm phù hợp và phân bố tài chính của bản thân vào những món hàng có giá trị hơn.
3 ứng dụng thực tế của lợi ích cận biên
Trên thực tế, lợi ích cận biên (Marginal Utility) có thể được ứng dụng để đưa ra nhiều quyết định kinh tế khác nhau của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả chính phủ.
Đối với người tiêu dùng
Người tiêu dùng thường có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm có mức lợi ích cận biên cao hơn. Bởi đơn giản là những sản phẩm này có thể đem lại sự thỏa mãn lớn hơn đối với nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, lợi ích cận biên cao cũng khiến họ cảm thấy bản thân nhận được những giá trị tương xứng hơn so với số tiền được bỏ ra.
Đối với doanh nghiệp
Trên thực tế, các doanh nghiệp thường có xu hướng tập trung sản xuất và buôn bán những sản phẩm, dịch vụ có khả năng đem lại mức lợi ích cận biên cao hơn. Bởi họ hiểu rằng người dùng luôn tìm kiếm sản phẩm có mức Marginal Utility cao để thỏa mãn nhu cầu. Như vậy, việc tập trung phát triển công nghệ, nâng cấp các tính năng trên những dòng sản phẩm, dịch vụ này có thể đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giúp cải thiện tỷ lệ mua hàng và doanh số.
Ví dụ, nếu một nhà sản xuất ô tô có SUV vốn là dòng xe bán chạy nhất. Vì vậy, họ quyết định sản xuất thêm các mẫu xe tương tự nhưng có sở hữu công nghệ hiện đại và nhiều tính năng cao cấp hơn. Khi này, bên cạnh phiên bản gốc đã rất phổ biến thì hãng cũng có thể bán thêm nhiều mẫu xe cao cấp với mức giá cao hơn cho khách hàng của mình.
Đối với chính phủ
Đối với chính phủ, lợi ích cận biên giảm dần là nguyên lý chính để xây dựng hệ thống thuế lũy tiến. Về cơ bản, hệ thống này được xây dựng dựa trên ý tưởng là “thuế cao hơn sẽ gây ra ít tổn thất hơn cho người có thu nhập cao hơn”.
Như vậy, chính phủ nhà nước cần đưa ra các chính sách quản lý thuế phù hợp hơn, thay vì chỉ thu thuế cố định theo phần trăm thu nhập. Bởi trong trường hợp thu thuế cố định là 33% nguồn thu nhập, những người nghèo có thu nhập khoảng 15.000 USD/ năm có thể chịu thiệt hại lớn. Nhưng đối với những người có thu nhập tốt hơn, khoảng 150.000 USD/ năm thì họ lại phải chịu ít thiệt hại hơn.
Bài tập tính lợi ích cận biên
Bài tập: Giả sử một người tiêu dùng dành thu nhập hàng tháng của mình là 1.860.000đ để mua 2 hàng hóa X, Y với giá tương ứng: PX= 6000đ/sp; PY = 10.000 đ/sp
Hàm lợi ích U(X,Y) = (X + 2)Y.
a) Hãy xác lập phương trình đường ngân sách. Sau đó biểu diễn trên đồ thị.
Phương trình đường ngân sách là:
I = X.PX + Y.PY <=> 1.860.000 = 6.000X + 10.000Y
b) Người dùng này nên chọn kết hợp tiêu dùng bao nhiêu sản phẩm X và Y để tối đa hóa lợi ích cận biên? Tổng hợp lợi ích có thể thỏa mãn tối đa là bao nhiêu?
Tính lợi ích cận biên của hàng hóa X và Y là:
- MUx = dU(X,Y)/dX = Y
- MUy = dU(X,Y)/dY = X + 2
Phương án lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng là nghiệm X và Y của hệ phương trình:
- (1) X.Px + Y.Py = I
- (2) MUx/Px = MUy/Py
Thay số vào ta được:
- 6.000X + 10.000Y = 1.860.000
- Y/6.000 = (X+2)/10.000
Giải hệ phương trình ta được:
- X = 154
- Y = 93.6
Tổng lợi ích tiêu dùng tối đa là: U = (154 + 2)*93.6 = 14.601,6.
c) Xác định độ dốc của đường bàng quan và độ dốc của đường ngân sách?
Độ dốc của đường ngân sách chính là: MRT = -Px/Py = -6000/10000 = -3/5
Độ dốc của đường bàng quan là tỷ lệ thay thế biên tế (Tỷ suất thay thế cận biên) của X cho Y: MRS = -MUX/MUY = -Y/(X+2)
Để người dùng chọn được phương án tiêu dùng tối ưu nhất thì đường ngân sách (đường thẳng) phải tiếp xúc với đường bàng quan (đường cong). Khi đó, độ dốc của đường bàng quan mới có thể bằng với độ dốc của đường ngân sách. Tức là MRT = MRS
<=> -3/5 = -Y/(X + 2) <=> 5Y = 3X + 6 <=> Y = 0,6X + 1,2
Thay Y = 0,6X + 1,2 vào lại phương trình ngân sách: 1860000 = 6000X + 10000Y ta được phương trình 1 ẩn.
6.000X + 10.000(0,6X + 1,2) = 1860000 <=> X = 154
Tương tự ta được: Y = 93,6
Vậy phương án tiêu dùng tối ưu là: (X;Y) = (154; 93,6)
d) Áp dụng lý thuyết về đường ngân sách và tối đa hóa ích lợi để xác định lựa chọn tối ưu của người dùng, trong trường hợp giá không đổi nhưng ngân sách mua hai hàng hóa X, Y tăng lên 2.510.000 đồng. Sau đó vẽ biểu đồ minh họa.
Ta có phương trình đường ngân sách mới: 6.000X + 10.000Y = 2.510.000
Giải hệ phương trình:
- 6.000X + 10.000Y = 2.510.000
- Y/6.000 = (X+2)/10.000 (MUX/PX = MUY/PY)
Ta tìm ra được tổ hợp hàng hóa tối ưu là : (X ; Y) = (208,17 ; 126,1)
e) Lợi ích cận biên của một hàng hóa chỉ ra điều gì? Chọn một trong các đáp án sau:
A. Rằng tính hữu ích của hàng hóa là có giới hạn.
B. Sự sẵn sàng thanh toán cho một đơn vị hàng hóa bổ sung.
C. Rằng hàng hóa đó là khan hiếm.
D. Rằng độ dốc của đường ngân sách là giá tương đối.
Đáp án đúng là B.
Một số câu hỏi liên quan về lợi ích cận biên
Doanh nghiệp có thể ứng dụng lợi ích cận biên thế nào?
Các doanh nghiệp có thể ứng dụng lợi ích cận biên theo rất nhiều cách khác nhau, như định giá sản phẩm, thiết kế sản phẩm, hay sử dụng để hiểu rõ hơn về hành vi mua hàng của khách hàng. Nhìn chung, khách hàng sẽ luôn tìm kiếm những sản phẩm có lợi ích cận biên lớn nên doanh nghiệp cần tập trung phát triển những sản phẩm này để có thể chiếm được sự chú ý của người dùng.
Công thức tính lợi ích cận biên là gì?
Lợi ích cận biên được tính theo công thức cơ bản như sau: MU = ΔTU / ΔQ.
Khi tổng lợi ích giảm thì lợi ích cận biên sẽ như nào?
Khi tổng lợi ích giảm xuống thì lợi ích cận biên âm.
Trên đây Tamnhindautu đã tổng hợp lại một số thông tin cơ bản để giải thích lợi ích cận biên là gì và những cách ứng dụng lợi ích cận biên. Mong rằng những thông tin trên sẽ hữu ích, giúp bạn đọc ứng dụng giá trị này hiệu quả hơn trong các hoạt động đời sống và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.