Mục Lục
Nhật Bản luôn là một quốc gia nổi tiếng với những con người có tính kỷ luật cao, đặc biệt là trong việc tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân. Vậy trong bài viết dưới đây, Tamnhindautu sẽ cùng với bạn tìm hiểu về Kakeibo, một trong những phương pháp quản lý chi tiêu rất phổ biến tại nhật, để xem nghệ thuật quản lý tiền của họ có gì đặc biệt nhé!
Phương pháp Kakeibo là gì?
Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là “sổ chi tiêu tài chính”, đây là một phương pháp quản lý tài chính được sáng tạo bởi nhà báo Hani Motoko vào năm 1904.
Về cơ bản, phương pháp tiết kiệm Kakeibo là một phương pháp khuyến khích chúng ta ghi chép lại các khoản chi tiêu và kế hoạch tài chính của bản thân, gia đình vào một cuốn sổ tay, thay vì các ứng dụng hoặc trang web quản lý tiền hiện đại. Việc này sẽ giúp các con số được hiện ra cụ thể và rõ ràng hơn. Ngoài ra người Nhật cũng cho rằng việc ghi chép sẽ kích thích não bộ hoạt động một cách sáng suốt nhất.
Cơ chế hoạt động của phương pháp tiết kiệm Kakeibo
Sử dụng sổ tay Kakeibo, bạn sẽ phải tự đặt ra và trả lời 4 câu hỏi để giúp bản thân hiểu rõ hơn về tình trạng tài chính của cá nhân. Cụ thể:
- Tôi đang có bao nhiêu tiền?
- Tôi muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền trong tương lai?
- Theo dự định, tôi sẽ tiêu bao nhiêu tiền trong thời gian tới?
- Tôi có thể làm gì để hạn chế việc chi tiêu và gia tăng thu nhập?
Không khó để thấy rằng các câu hỏi của Kakeibo đều có liên quan đến vấn đề tài chính cá nhân. Do đó, việc tự đặt ra và trả lời các câu hỏi này sẽ giúp bạn có những kế hoạch cụ thể hơn trong việc kiểm soát và quản lý chi tiêu hiệu quả.
Hãy bắt đầu ghi chép sổ tay quản lý chi tiêu Kakeibo vào đầu tháng, sau đó xem xét tất cả lại vào cuối tháng. Từ đây, bạn sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về khoản thu nhập của mình, cũng như cách mình chi tiêu nó hàng tháng. Cuối cùng, đưa ra nhận xét và cách cải thiện việc chi tiêu cho các tháng sau đó.
Công dụng của phương pháp Kakeibo trong quản lý tài chính
Bản chất thực sự của Kakeibo là việc bạn phải thực sự viết xuống các khoản chi tiêu, kế hoạch chi tiêu của bản thân, điều mà ai cũng nói nhưng ít ai làm.
Các ứng dụng quản lý chi tiêu ngày nay có thể đem lại nhiều sự tiện lợi, thao tác nhanh chóng nhưng nó lại lấy đi sự tập trung và khả năng ý thức rõ ràng của các cá nhân với việc quản lý tài chính. Do vậy, việc ngồi xuống ghi chép, tổng kết các khoản chi tiêu trong ngày vào Kakeibo tạo ra nhiều khác biệt lớn. Nó giúp bạn sử dụng thời gian để nghĩ tới các khoản đã chi trong ngày, nghĩ về lý do đằng sau khoản chi đó và giá trị mà nó mang lại.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc viết sổ cũng giúp chúng ta nhìn các vấn đề theo cách trực quan và đa chiều hơn. Điều này đảm bảo những giải pháp, ý tưởng được đưa ra sau đó cũng có tính khả thi và thành công cao hơn.
Phương pháp Kakeibo phù hợp với đối tượng nào?
Phương pháp quản lý chi tiêu Kakeibo không đặt ra giới hạn, hay dành riêng cho bất kỳ đối tượng cụ thể nào. Do đó, bất kể bạn là ai, việc học cách quản lý chi tiêu với sổ tay Kakeibo cũng rất cần thiết. Chẳng hạn:
- Nếu bạn là người có một lối sống trong khuôn khổ, tính kỷ luật cao. Việc sử dụng phương pháp Kakeibo sẽ giúp bạn sớm đạt được các mục tiêu tài chính mà bản thân đã đề ra.
- Nếu bạn là người có ngân sách không nhất quán và chưa ổn định. Sự linh hoạt của Kakeibo sẽ giúp bạn bám sát vào khoản ngân sách của mình.
- Nếu bạn là người không giỏi trong việc sắp xếp, lên kế hoạch tài chính. Kakeibo sẽ giúp bạn học cách chịu trách nhiệm cho vấn đề tài chính của bản thân, nhờ đó tự tin nắm quyền và kiểm soát nguồn thu nhập của mình tốt hơn.
- Nếu bạn là người tiết kiệm lần đầu, việc ghi chép lại tất cả các khoản chi tiêu trong sổ tay Kakeibo sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc chi tiêu của bản thân và quản lý tài chính hiệu quả hơn.
Các bước thực hiện tiết kiệm theo phương pháp Kakeibo hiệu quả
Dưới đây là 7 bước mà bạn cần tham khảo để bắt đầu tiết kiệm tiền và quản lý tài chính hiệu quả hơn với phương pháp Kakeibo.
Bước 1: Chuẩn bị sổ tay và học cách làm sổ Kakeibo
Với phương pháp Kakeibo, bạn cần chuẩn bị một cuốn sổ tay dùng để ghi chép lại các khoản chi tiêu và ngân sách của mình.
Bước 2: Ghi lại nguồn thu nhập hàng tháng
Vào đầu các tháng, bạn hãy dành thời gian để ghi chép lại các nguồn thu nhập của bản thân. Nguồn thu nhập này sẽ bao gồm cả tiền lương, tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền lãi đầu tư chứng khoán, hay tiền làm thêm từ các công việc khác,…
Bước 3: Ghi lại khoản chi tiêu
Sau đó, bạn cần ghi chép lại tất cả các khoản chi phí cố định mà bạn cần thanh toán hàng tháng. Chẳng hạn như tiền thuê nhà, tiền điện nước, thanh toán nợ tín dụng,…
Sau đó, trừ hai số tiền này cho nhau để biết rằng bản thân đang sở hữu chính xác bao nhiêu tiền. Điều này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đầu tiên trong 4 câu hỏi của Kakeibo “Tôi đang có bao nhiêu tiền?”.
Bước 4: Ghi lại số tiền bạn muốn tiết kiệm
Hãy đưa ra một câu trả lời cụ thể cho câu hỏi thứ hai “Tôi muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?”. Sau đó, trích một số tiền mong muốn và gửi nó vào tài khoản tiết kiệm của bạn. Lưu ý rằng, bạn sẽ không sử dụng số tiền này cho bất kỳ mục đích nào, ngoại trừ mục đích tiết kiệm ban đầu, hoặc trong trường hợp hết sức cần thiết.
Số tiền dành ra để tiết kiệm cũng tùy thuộc vào bạn, nó có thể là 5 triệu, 10 triệu, hay 5-10% nguồn thu nhập. Nhưng hãy chắc rằng, khoản tiết kiệm này không ảnh hưởng quá nhiều đến khoản chi tiêu cần thiết hàng tháng.
Bước 5: Phân loại chi tiêu
Trong bước tiếp theo, bạn cần phân loại chi tiết các khoản cần chi tiêu. Chẳng hạn như:
- Khoản chi thiết yếu: Đây là khoản chi tiêu thiết yếu để đảm bảo nhu cầu sinh sống hàng ngày, hoặc hàng tháng của bạn. Nó bao gồm tiền ăn uống, tiền sinh hoạt, đi lại, thuốc men,…
- Khoản chi có thể lựa chọn: Đây là các khoản chi tiêu linh hoạt, có thể có hoặc không. Ví dụ như mua sắm quần áo mới, ăn diện,…
- Quỹ giải trí tinh thần: Đây là khoản chi dành riêng cho việc giải trí, nó có thể bao gồm các chuyến du lịch, hẹn hò,.., giúp đảm bảo sức khỏe tinh thần cho bạn.
- Khoản chi phát sinh ngoài dự kiến: Đây là những khoản chi tiêu đột xuất và bất khả kháng mà bạn không thể dự kiến trước. Chẳng hạn như tiền khám chữa bệnh, tai nạn, người thân bị ốm,….
Hãy liệt kê càng chi tiết càng tốt, để có cái nhìn trực quan nhất về việc tiêu xài của bản thân.
Bước 6: “Cam kết’ thực hiện mỗi tháng
Nếu là người mới, bạn sẽ dễ dàng nhận ra bản thân không có khả năng thanh toán toàn bộ khoản chi mà vẫn đủ tiền để tiết kiệm. Khi này, hãy xem xét và cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, như mua sắm quần áo mới mỗi tháng, uống trà sữa mỗi ngày, hay đến những buổi cà phê sang chảnh. Hãy dành nhiều thời gian hơn để ở nhà, hoặc nơi làm việc để cải thiện nguồn thu nhập và các hoạt động chi tiêu.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên kỷ luật hơn với bản thân mình bằng cách tự cam kết về các khoản chi tiêu. Chẳng hạn trong việc mua sắm, hãy mua những món đồ cần thiết thay vì những món đồ mình muốn.
Bước 7: Nhìn lại chi tiêu
Vào mỗi cuối tháng, hoặc thậm chí là cuối ngày, bạn hãy nhìn lại các khoản tiền đã chi của mình và suy nghĩ về chúng, lý do thực sự sau khoản chi đó là gì và những giá trị mà nó đã đem lại cho bạn. Điều này sẽ giúp bạn có ý thức rõ ràng hơn về việc chi tiêu của bản thân. Qua đó, quản lý chi tiêu và tiết kiệm tiền hiệu quả hơn.
Bạn có thể đánh giá việc chi tiêu của mình và trả lời 4 câu hỏi sau:
- Bản thân đã đạt mục tiêu tiết kiệm tháng này chưa?
- Đâu là khoản chi tiêu nhiều nhất và nó có xứng đáng không?
- Mình cần làm gì để tiết kiệm nhiều tiền hơn vào tháng sau?
- Đâu là khoản chi tiêu cần cải thiện và cắt giảm để quản lý chi tiêu tốt hơn vào tháng sau?
Việc trả lời các câu hỏi này là yếu tố cốt lõi của phương pháp quản lý tài chính Kakeibo. Do đó, hãy dành thời gian cho chúng để hiểu rõ hơn về tình trạng chi tiêu hiện tại và đưa ra cách cải thiện hợp lý. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng một nếp sống lành mạnh với thói quen quản lý tài chính tốt hơn.
Những lưu ý khi sử dụng phương pháp quản lý tài chính Kakeibo
Dưới đây là 4 điều mà bạn cần lưu ý tới khi sử dụng phương pháp Kakeibo để đảm bảo hiệu quả của các kế hoạch quản lý tài chính cá nhân:
- Giữ lại các hóa đơn khi mua sắm: Hãy giữ lại các hóa đơn mua sắm và đặt chúng trong một hộp đựng nhỏ, các hóa đơn này sẽ rất có ích trong việc ghi chép lại các khoản chi tiêu hàng ngày. Bởi, trong nhiều trường hợp, việc ghi nhớ tất cả các khoản tiền mà bản thân đã sử dụng thường khá khó khăn.
- Ghi chép chi tiêu, mục tiêu cần thực hiện: Theo phương pháp Kakeibo, bạn sẽ dành thời gian để ghi chép và viết ra các mục chi tiêu của mình vào mỗi cuối ngày để có ý thức rõ ràng hơn với chúng. Điều này cũng giúp bạn theo sát các mục tiêu tài chính cần thực hiện.
- Lên kế hoạch quản lý tài chính: Ngay cả khi thu nhập của bản thân còn thấp, thói quen ghi chép lại chi tiêu cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân.
- Kỷ luật với bản thân: Nếu tháng này bạn đang dành ra quá nhiều khoản chi tiêu không cần thiết, hãy cố gắng cải thiện chúng vào tháng sau. Đôi khi việc thả lỏng bản thân sẽ giúp cải thiện tinh thần, nhưng tính kỷ luật mới là điều giúp bạn sớm đạt được các mục tiêu tài chính đang hướng tới.
Mẹo sử dụng sổ tay Kakeibo quản lý tài chính hiệu quả
Bên cạnh các lưu ý trên, bạn cũng có thể tham khảo một số mẹo dưới đây để quản lý chi tiêu tốt hơn với Kakeibo.
Quy tắc 10 giây
Với quy tắc này, bạn cần tạo thói quen về việc lập danh sách các món đồ cần mua trước khi tới các cửa hàng mua sắm. Nếu tới của hàng và bạn nhận ra có những món đồ phát sinh cần mua thêm, vậy hãy dành 10 giây để suy nghĩ về sự cần thiết của món đồ đó. Nếu đó không phải một món đồ cần thiết cho ngày hôm nay, bạn có thể bỏ qua và dành nó cho lần mua sắm sau.
Quy tắc 30 ngày
Nếu bạn đang có dự định mua một món đồ có giá trị cao, hãy cho bản thân 30 ngày để suy nghĩ về món đồ đó.
Nếu đây chỉ là sự mong muốn nhất thời, bạn sẽ sớm quên béng dự định đó. Việc cho bản thân thời gian suy nghĩ sẽ giúp bạn tránh việc phung phí tiền bạc một cách quá đà để có thể tiết kiệm tiền cho các mục đích khác có ý nghĩa hơn.
Luôn dành ra một khoản tiền dự phòng khẩn cấp
Bên cạnh tiền tiết kiệm, bạn cũng nên để dành ra một khoản tiền dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Đây chính là quỹ phòng vệ giúp bạn xử lý trong các trường hợp khẩn cấp như bị tai nạn, hay ốm đau, bệnh tật,…
Mặc dù trong tháng đầu tiên quỹ phòng vệ của bạn thường khá nhỏ, nhưng hãy tích tiểu thành đại. Bởi, việc phòng thân chưa bao giờ là thừa.
Trên đây là những thông tin mà Tamnhindautu đã tổng hợp lại để giải thích phương pháp Kakeibo là gì. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn biết cách quản lý chi tiêu và quản lý tài chính tốt hơn. Hãy nhớ rằng mọi thay đổi dù nhỏ nhất ở hiện tại cũng có thể tạo lên giá trị lớn cho bản thân bạn trong tương lai.