Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
HomeTài Chính Cá NhânTiết kiệmQuy tắc 6 chiếc lọ - Kinh nghiệm và lưu ý khi...

Quy tắc 6 chiếc lọ – Kinh nghiệm và lưu ý khi ứng dụng

Share

Quản lý tài chính luôn là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới tự chủ tài chính và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự bản thân cân đối giữa các khoản cần chi với những khoản tiền cần giữ lại. Vậy trong bài viết dưới đây, Tamnhindautu sẽ cùng bạn tìm hiểu quy tắc 6 chiếc lọ – Một quy tắc quản lý tài chính rất hiệu quả nhé!

Quy tắc 6 chiếc lọ là gì? 

Quy tắc 6 chiếc lọ là gì? – Quy tắc 6 chiếc lọ (JARS Money Management System) là một phương pháp quản lý tài chính được sử dụng rất phổ biến trên toàn cầu. Theo quy tắc này, bạn sẽ chia nguồn thu nhập của mình thành 6 phần riêng biệt, với mỗi phần phục vụ cho một nhu cầu khác nhau để phục vụ cuộc sống.

Quy tắc 6 chiếc lọ được nhắc đến lần đầu trong cuốn “Secrets of Millionaire Mind”, viết bởi tác giả T.Harv Eker, ông là một chuyên gia tài chính nổi tiếng và cũng là người sáng lập ra công ty Peak Potential Training. Bằng những diễn đạt đầy sức tưởng cùng nhiều luận điểm rõ ràng về việc quản lý tài chính, Harv Eker đã thuyết phục thành công hàng ngàn người học theo quy tắc tài chính 6 chiếc lọ của ông. 

Cụ thể hơn, dưới đây cách phân chia thu nhập thành 6 phần theo quy tắc 6 chiếc lọ của Harv Eker: 

Lọ chi tiêu thiết yếu (NEC – 55% thu nhập)

Quỹ tiền đựng trong lọ đầu tiên chính là quỹ tiền dành cho các hoạt động thiết yếu hàng tháng của bạn, nó bao gồm tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống, di chuyển,… Quỹ NEC sẽ chiếm khoảng 55% tổng nguồn thu nhập. Dù được tính toán dựa trên mức sống tiêu chuẩn của nhiều khu vực. Nhưng, thói quen sinh hoạt của mỗi người đều khác nhau nên bạn cũng có thể linh hoạt thêm, hoặc bớt đi một phần của khoản quỹ này.

Trong quy tắc 6 chiếc lọ tài chính, quỹ chi tiêu cần thiết là khoản quỹ lớn nhất, nó được sử dụng cho các mục đích thanh toán hóa đơn, cũng như mua sắm thiết yếu. Trong trường hợp, bạn đang dành hơn 80% nguồn thu nhập chỉ để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hiện tại, bạn cần nghiêm túc với việc tăng thu nhập, hoặc thay đổi lối sống để quản lý tài chính tốt hơn.

Sử dụng 55% nguồn thu nhập để sử dụng cho các nhu cầu đời sống thiết yếu.

Lọ tiết kiệm dài hạn (LTSS – 10% thu nhập)

Sau khi trích đủ tiền cho lọ 1, bạn sẽ tiếp tục trích 10% nguồn thu nhập của bản thân cho lọ tiết kiệm dài hạn. Đây là một tỷ lệ hợp lý vừa giúp bạn có thêm một khoản tiền dự phòng, vừa không ảnh hưởng đến các nhu cầu chi tiêu hàng ngày.

Khoản tiền tiết kiệm dài hạn này sẽ có vai trò như khoản tiền dự phòng để sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Chẳng hạn như tai nạn, ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp,… Đồng thời, đây cũng là khoản tiền giúp bạn sớm đạt được các mục tiêu tài chính lớn, như mua nhà, mua xe hay đi du lịch,…

Giống như lọ chi tiêu thiết yếu thì bản thân bạn cũng có thể điều chỉnh quỹ LTSS sao cho phù hợp hơn với nhu cầu của bản thân. Nếu bạn có thu nhập cao và chưa có mục tiêu tài chính rõ ràng, hãy tăng khoản quỹ này lên. Ngược lại, nếu bạn còn nhiều khoản chi cần xử lý, hãy rút ngắn khoản quỹ này.

10% dành cho khoản tiết kiệm (LTSS)
Hãy dành một phần nhỏ thu nhập để tiết kiệm dài hạn.

Lọ tự do tài chính (FFA – 10% thu nhập)

Trong lọ tự do tài chính, bạn sẽ sử dụng 10% thu nhập hàng tháng để phục vụ cho mục đích gửi tiết kiệm và đầu tư cho các kênh giao dịch an toàn để tạo thêm nguồn thu nhập thụ động.

Nếu tham khảo thị trường tài chính từ sớm, bạn có thể nhận ra thị trường có rất nhiều kênh đầu tư chứng khoán, cổ phiếu, hay quỹ đầu tư của nhà nước rất an toàn, với khả năng đem lại lợi nhuận dài hạn. Mặc dù bắt đầu từ những con số nhỏ, nhưng nếu đủ kiên trì và chọn đúng thời điểm, bạn có thể nhận về nhiều lợi ích từ khoản quỹ này. 

Lưu ý, quỹ FFA trong quy tắc 6 chiếc lọ sẽ chỉ được sử dụng để đầu tư, bắt tiền đẻ ra tiền. Mục tiêu chính của khoản quỹ FFA là tạo thêm các nguồn thu nhập thụ động mới bên cạnh nguồn thu chính để giúp bạn nhanh chóng đạt được nhiều mục tiêu lớn.

10% dành cho các hoạt động tự do tài chính (FFA)
Sử dụng quỹ FFA để đầu tư và nhanh chóng đạt mục tiêu tự do tài chính.

Lọ giáo dục (EDU – 10% thu nhập)

Đối với bất kỳ lứa tuổi nào, việc học tập, rèn luyện thêm các kỹ năng làm việc và đầu tư cho bản thân chưa bao giờ là thừa. Chính vì vậy, theo quy tắc 6 chiếc lọ chi tiêu, bạn sẽ trích 10% nguồn thu nhập của mình cho mục đích giáo dục, mua thêm sách đọc, hoặc tham gia các khóa học phát triển kỹ năng mới để phục vụ công việc. 

Giống như các lọ chi tiêu khác, quỹ EDU cũng có thể tự do điều chỉnh theo nhu cầu của mỗi người. Nhưng hãy nhớ dành thời gian để nâng cấp bản thân và đầu tư kiến thức không bao giờ là khoản đầu tư lỗ.

Dành 10% thu nhập cho quỹ học tập (EDU)
Dành 10% thu nhập để đầu tư cho quỹ học tập để cải thiện kỹ năng hoặc học thêm kiến thức mới.

Lọ hưởng thụ (PLY – 10% thu nhập)

Bên cạnh việc dành tiền tiết kiệm và đầu tư cho các hạng mục, bạn cũng nên dành một phần nhỏ số thu nhập để phục vụ cho quỹ hưởng thụ (PLY). Quỹ này sẽ được sử dụng với mục đích chính là vui chơi, giải trí, hay thậm chí là du lịch.

Biết được rằng các mục tiêu tài chính luôn là đích đến hàng đầu của việc tiết kiệm. Nhưng, việc dành một khoản tiền nhỏ để giải trí sẽ giúp tinh thần của bạn luôn được vui vẻ, thoải mái. Điều này cũng góp phần nhiều giúp đảm bảo việc tiết kiệm tài chính trở thành thói quen lâu dài.

10% thu nhập trong quy tắc 6 chiếc lọ là dành cho hưởng thu (PLY)
Tiết kiệm một khoản tiền nhỏ để vui chơi, giải trí và đi du lịch có thể giúp ích nhiều cho tinh thần của bạn.

Lọ từ thiện (GIV – 5% thu nhập)

Bên cạnh việc dành tiền cho bản thân, quy tắc 6 chiếc lọ cũng yêu cầu bạn dành ra khoảng 5% thu nhập còn lại của mình để từ thiện, hoặc giúp đỡ cộng đồng, bạn bè, người thân gặp khó khăn. 

Nếu bạn vẫn cần phải xử lý một số khoản tiền quan trọng, hãy giảm tỷ lệ của quỹ GIV xuống, nhưng đừng quên luôn dành ra một phần nhỏ để giúp đỡ người khác nhé. 

5% của 6 chiếc lọ dành cho các hoạt động từ thiện (GIV)
Hãy dành một khoản tiền nhỏ cho các công việc từ thiện và giúp đỡ người khó khăn.

Lợi ích của quy tắc tài chính 6 chiếc lọ 

Bên cạnh việc giúp các cá nhân quản lý tài chính hiệu quả hơn, thì quy tắc 6 chiếc lọ cũng đem lại nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn như:

  • Đảm bảo các nhu cầu chi tiêu dựa trên thu nhập thực tế: Quy tắc 6 chiếc lọ phân bổ nguồn thu nhập thành 6 phần khác nhau, với mỗi phần đều dành cho một mục đích cụ thể.
  • Đảm bảo các khoản quỹ dự phòng, quỹ chi tiêu, quỹ tiết kiệm và đầu tư: Không chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền cho trường hợp khẩn cấp, quy tắc 6 chiếc lọ cũng sẽ phân chia nguồn thu nhập thành nhiều phần khác, phục vụ cho việc chi tiêu, đầu tư, hay học tập,…Tạo cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Quy tắc này có bao gồm 1 chiếc lọ hưởng thụ, chiếm 10% nguồn thu nhập. Đây sẽ là khoản quỹ quan trọng dùng để vui chơi, giải trí và giúp cá nhân hưởng thụ cuộc sống.Phát triển bản thân: Quỹ giáo dục EDU là một khoản quỹ có ý nghĩa lớn, nó được sinh ra với mục tiêu chính là tạo thêm cơ hội học tập, nâng cấp bản thân. Bạn tùy ý điều chỉnh tỷ lệ cho khoản quỹ này, nhưng việc dành tiền học tập thêm một kiến thức mới, kỹ năng mới luôn giúp ích nhiều cho cuộc sống và công việc của bạn.
  • Tạo cơ hội đóng góp cho xã hội: Quỹ từ thiện được sinh ra với mục đích chính là đóng góp cho cộng đồng và xã hội xung quanh. Khi đã đạt được mục tiêu tự do tài chính, bạn cũng nên giang tay giúp đỡ những người khác trên con đường của họ.
  • Ý thức tài chính tốt hơn: Áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của mình và đưa ra các quyết định tài chính một cách sáng suốt và đảm bảo sự ổn định tài chính trong tương lai.
  • Hạn chế nợ xấu và quản lý chặt chẽ các khoản nợ: Quy tắc 6 chiếc lọ giúp đảm bảo rằng cá nhân sẽ có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chi tiêu của cá nhân. Qua đó, bạn sẽ tránh rơi vào vòng xoáy nợ, hạn chế các khoản nợ xấu và có một sức khỏe tài chính tốt hơn.
  • Gia tăng tài sản liên tục và cơ hội tạo ra dòng tiền thụ động: Mục tiêu quan trọng của việc phân chia nguồn thu nhập là giúp bạn có thể dành tiền đầu tư cho các dòng tiền thụ động. Bằng cách này, bạn có thể bớt phụ thuộc vào nguồn thu nhập chính và nhanh chóng đạt các mục tiêu tài chính lớn.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống bằng các khoản quỹ chi tiêu cụ thể: Quy tắc 6 chiếc lọ được thiết kế để trở thành một thói quen cả đời, nó phân chia cụ thể tiền của bạn thành nhiều khoản khác nhau. Trong đó có bao gồm cả khoản tiền chi tiêu cần thiết, tiền đầu tư tài chính, tiền tiết kiệm dài hạn, tiền học tập,… 
Sử dụng quy tắc 6 chiếc lọ đòi hỏi người dùng phải biết phân chia các khoản tiền
Việc phân chia các khoản tiền cụ thể sẽ giúp bạn sớm đạt được nhiều mục tiêu tài chính lớn.

Cách thực hiện quy tắc quản lý tài chính 6 chiếc lọ

Để bắt đầu thực hiện quy tắc quản lý tài chính 6 chiếc lọ một cách hiệu quả, bạn có thể tham khảo các bước sau

Bước 1: Xác định các mục tiêu tài chính lâu dài

Bằng việc xác định các mục tiêu tài chính cụ thể như dành tiền cho học đại học, mua nhà, mua xe, đi du lịch,… bạn sẽ có thêm nhiều động lực để quản lý chi tiêu một cách kỷ luật hơn. 

Mặc dù quy tắc 6 chiếc lọ đã phân chia tiền của bạn thành nhiều phần khác nhau, phục vụ cho việc chi tiêu, tiết kiệm dài hạn, đầu tư tài chính, giáo dục, hưởng thụ và từ thiện. Nhưng, bạn vẫn cần hiểu rõ hơn về mục tiêu tài chính lâu dài của bản thân là gì. Điều này tạo động lực tiết kiệm dài hạn và tạo thói quen quản lý tài chính tốt hơn.

Bước 1 khi thực hiện quy tắc 6 chiếc lọ
Xác định mục tiêu tài chính lớn mà bản thân đang hướng tới là gì?

Bước 2: Xem xét nguồn thu nhập hiện tại của mình

Người lao động Việt đang có nguồn thu nhập trung bình vào khoảng 8 – 12 triệu/ tháng. Như vậy, ta sẽ giả sử bản thân bạn đang có nguồn thu nhập ổn định là 10 triệu đồng/ tháng và quyết định áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ trong 1 năm. Như vậy, sau năm đầu tiên này, bạn sẽ có được:

  • Quỹ chi tiêu thiết yếu: 66 triệu (đã sử dụng).
  • Quỹ tiết kiệm dài hạn: 12 triệu đồng (vẫn đang tiết kiệm và được hưởng lãi suất từ ngân hàng).
  • Quỹ tự do tài chính: 12 triệu đồng (vẫn đang hoạt động tốt, có khả năng sinh lời nhỏ, nhưng ổn định).
  • Quỹ giáo dục: 12 triệu đồng (đủ để tìm mua nhiều đầu sách hay, tham gia nhiều khóa học kỹ năng và kiến thức mới).
  • Quỹ hưởng thụ: 12 triệu đồng (tham gia một vài chuyến du lịch ngắn ngày).
  • Quỹ từ thiện: 6 triệu đồng.

Dù bắt đầu từ những con số rất nhỏ, nhưng bằng việc tạo thói quen phân chia thu nhập một cách cụ thể và chi tiêu kỷ luật theo nó, bạn có thể sớm đạt được nhiều mục tiêu trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các khoản quỹ trên cũng hoàn toàn có thể chia theo tỷ lệ khác nhau, tùy theo mức sống và nhu cầu chi tiêu của cá nhân. 

Tuy nhiên, nếu khoản chi tiêu thiết yếu của bạn đang chiếm tới 80% nguồn thu nhập. Hãy nghiêm túc xem xét lại các khoản cần chi, hoặc tìm cách gia tăng thu nhập để phân chia các mục chi tiêu thực tế hơn.

Bước 2 khi thực hiện quy tắc 6 chiếc lọ
Xem xét nguồn thu nhập hiện tại và lên kế hoạch chi tiêu với chúng.

Bước 3: Phân bổ thu nhập theo quy tắc 6 chiếc lọ

Sau khi đã xem xét nguồn thu nhập của bản thân, bạn sẽ bắt đầu phân bổ chúng thành 6 chiếc lọ theo đúng quy tắc. Hãy nhớ rằng, tùy theo nhu cầu của bản thân mà bạn có thể phân chia các lọ với tỷ lệ khác nhau. 

Chẳng hạn, bạn có thể ưu tiên giảm bớt quỹ giáo dục để nhanh chóng tiết kiệm được một khoản quỹ dự phòng lớn. Hoặc giảm bớt một phần quỹ từ thiện để xử lý các khoản chi tiêu thiết yếu. 

Mục tiêu quan trọng nhất của việc phân chia nguồn thu nhập là giúp bản thân bạn có ý thức rõ ràng hơn về các khoản tiền cần chi và các khoản tiền cần sử dụng cho mục đích khác. 

Cách thực hiện quy tắc 6 chiếc lọ - Bước 3
Bắt đầu áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ và kỷ luật với các khoản cần chi.

Bước 4: Theo dõi, điều chỉnh ngân sách và chi tiêu một cách kỷ luật

Trong những tháng đầu tiên, bạn có thể dễ dàng chi tiêu vượt quá ngân sách của quỹ chi tiêu thiết yếu và buộc phải bỏ bớt một vài khoản quỹ khác. Do đó, hãy thống kê và ghi chép lại các khoản đã chi vượt ngân sách. Điều này sẽ giúp bạn có thêm ý thức về các khoản chi tiêu vượt ngân sách và kỷ luật hơn với chúng.

Cách thực hiện quy tắc 6 chiếc lọ bước 4
Theo dõi và thống kê thường xuyên các khoản tiền đã chi tiêu.

Bước 5: Kiên trì thực hiện

Quản lý tài chính là một quá trình lâu dài, chỉ cần tiếp tục kiên trì và đặt ra những giới hạn rõ ràng hơn với việc chi tiêu, bạn sẽ sớm đạt được nhiều mục tiêu lớn.

Ví dụ về việc áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ với thu nhập 8 triệu 

Khác với phía trên, ta sẽ lấy ví dụ về anh A đang có nguồn thu nhập hàng tháng vào khoản 8 triệu đồng/ tháng. Áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ, ta có:

  • Bước 1: Xác định thu nhập. Mức thu nhập ổn định đang là 8 triệu đồng/ tháng.
  • Bước 2: Xác định các khoản tiền cố định, bao gồm tiền nhà, điện nước, di chuyển và tiền ăn. 
  • Bước 3: Phân bổ nguồn thu nhập. Với tổng thu là 8 triệu, ta có 6 lọ sau:
    • Lọ chi tiêu thiết yếu: 4,4 triệu đồng.
    • Lọ tiết kiệm dài hạn: 800.000 đồng.
    • Lọ tự do tài chính: 800.000 đồng.
    • Lọ giáo dục: 800.000 đồng.
    • Lọ hưởng thụ: 800.000 đồng.
    • Lọ từ thiện: 400.000 đồng.
  • Bước 4: Theo dõi và điều chỉnh các khoản chi tiêu định kỳ. Tập thói quen thống kê các khoản tiền đã chi một cách thường xuyên để có thêm ý thức về việc chi tiêu của bản thân. 
Ví dụ về cách áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ.
Ví dụ về cách áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ.

Kinh nghiệm và lưu ý sử dụng quy tắc 6 chiếc lọ hiệu quả nhất

Dưới đây là một số kinh nghiệm và lưu ý mà bạn có thể tham khảo để bắt đầu áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ một cách hiệu quả nhất. 

Tuân thủ quy tắc chặt chẽ

Biết rằng quy tắc 6 chiếc lọ có thể linh hoạt điều chỉnh các tỷ lệ theo nhu cầu của người dùng. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên thay đổi chúng một cách thường xuyên, hay bỏ qua hoàn toàn một khoản quỹ nào đó. Hãy tuân thủ quy tắc quản lý chi tiêu một cách chặt chẽ, như vậy bạn mới có thể sớm đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra và tránh những rủi ro lâu dài.

Tạo dựng thói quen chi tiêu và quản lý tài chính

Thói quen quản lý tài chính cần được thực hiện một cách kỷ luật trong thời gian dài để có thể hình thành thói quen. Do đó, hãy bắt đầu với việc tạo thói quen phân chia nguồn thu nhập và thường xuyên thống kê lại các khoản chi tiêu. Điều này sẽ giúp bạn có ý thức hơn với việc quản lý chi tiêu, hạn chế tối đa việc thất thoát dòng tiền, hoặc chi tiêu quá ngân sách.

Tạo dựng thu nhập thụ động

Tự do tài chính chỉ đến khi bạn có thêm nhiều nguồn thu nhập thụ động và không còn phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn thu nhập chính. Do đó, hãy bắt đầu tìm hiểu về các kênh đầu tư dài hạn và tạo dựng nguồn thu nhập thụ động. Trong đó, ta có như Affiliate Marketing, chứng khoán, mua vàng tích trữ,… đều là những kênh đầu tư dài hạn có thể đem lại nhiều nguồn thu nhập thụ động cho bạn.

Tạo dựng thu nhập thụ động từ quy tắc 6 chiếc lọ
Học cách tạo nguồn thu nhập thụ động với quy tắc 6 chiếc lọ.

Lựa chọn kênh đầu tư và tiết kiệm hợp lý

Đối với quy tắc 6 chiếc lọ, hãy đặc biệt chú ý đến các khoản quỹ tiết kiệm dài hạn và quỹ tự do tài chính. Đây là hai khoản quỹ quan trọng mà bạn không nên cắt giảm.

Trong đó, quỹ tiết kiệm dài hạn là khoản quỹ quan trọng nhất giúp tạo ra một khoản tiền dự phòng, sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, như bị bệnh, tai nan hoặc người thân gặp chuyện xấu. Đối với quỹ tự do tài chính, bạn cũng có thể tham khảo các kênh đầu tư dài hạn hoặc các sản phẩm có tính tăng trưởng ổn định. Mặc dù lợi nhuận không được cao, nhưng chúng có thể đem lại nhiều lợi ích khi nắm giữ dài hạn.

Ghi chép lại số tiền chi tiêu 

Học cách ghi chép lại các khoản tiền đã tiêu và thống kê chúng một cách cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quản lý tài chính cá nhân. Điều này sẽ giúp bạn đối chiếu các khoản chi tiêu giữa các tháng với nhau và điều chỉnh chúng sao cho hợp lý hơn.

Không hưởng thụ quá đà

Quy tắc 6 chiếc lọ có bao gồm 1 khoản quỹ nhỏ dành cho việc hưởng thụ. Đây là một khoản quỹ cần thiết để giúp bạn hưởng thụ cuộc sống và chăm sóc đời sống tính thần. Nhưng hãy đặt ranh giới rõ ràng giữa việc “hưởng thụ” và “phung phí”, điều này sẽ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro trong kế hoạch quản lý tài chính.

Không hưởng thụ quá đà và phung phí là quy tắc khi sử dụng quy tắc 6 chiếc lọ
Đạt giới hạn rõ ràng với giữa việc “hưởng thu” và “phung phí”.

Trên đây là những thông tin mà đã tổng hợp lại được để giải thích quy tắc 6 chiếc lọ là gì. Chúng tôi mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích, cũng như cách áp dụng quy tắc này vào cuộc sống để sớm đạt được các mục tiêu lớn.

Xem thêm

Liên quan