Mục Lục
- 1 Thặng dư tiêu dùng là gì?
- 2 Công thức tính thặng dư tiêu dùng
- 3 Ví dụ thực tế về thặng dư tiêu dùng (Consumer Surplus)
- 4 Các yếu tố tác động đến thặng dư người tiêu dùng
- 5 Sự khác biệt giữa thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất
- 6 Cách xác định thặng dư tiêu dùng
- 7 Bài tập tính thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất
Là một trong những khái niệm quan trọng và được nhắc đến nhiều trong kinh tế học – Thặng dư tiêu dùng đóng vai trò lớn giúp các doanh nghiệp xác định nhu cầu của khách hàng và giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai cũng nắm được cách sử dụng và cách xác định giá trị này. Vậy cụ thể thặng dư tiêu dùng là gì? Hãy cùng Tamnhindautu tìm hiểu rõ hơn ở dưới đây nhé!
Thặng dư tiêu dùng là gì?
Thặng dư tiêu dùng (Consumer Surplus) hay thặng dư của người tiêu dùng là chênh lệch giữa mức giá tối đa mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho một hàng hóa với mức giá thực tế mà họ phải trả. Về cơ bản, thặng dư tiêu dùng là một thước đo kinh tế về lợi ích của người dùng và thường xảy ra khi mức giá mà người tiêu dùng trả cho một sản phẩm/ dịch vụ thấp hơn mức giá mà họ sẵn sàng trả.
Thặng dư tiêu dùng là một giá trị dựa trên lý thuyết kinh tế về tiện ích cận biên (Marginal Utility), đó là sự hài lòng bổ sung mà người tiêu dùng thu được thêm từ một đơn vị hàng hóa hoặc dịch vụ. Trong đó, thặng dư tiêu dùng luôn tăng khi giá hàng hóa giảm và giảm khi giá hàng hóa tăng.
Ví dụ, ta có nước uống là một mặt hàng có mức thặng dư tiêu dùng cao. Người tiêu dùng đáng lẽ phải trả giá rất cao cho một nguồn nước sạch, vì họ cần nó để duy trì sự sống. Nhưng thực tế thì ngược lại, giá cho một cốc nước rất rẻ và người tiêu dùng nhận được nhiều lợi ích từ điều này. Như vậy, sự chênh lệch giữa “giá đáng ra phải trả cho mỗi cốc nước” và “giá thực tế phải trả cho một cốc nước” chính là thặng dư tiêu dùng.

Công thức tính thặng dư tiêu dùng
Cách tính thặng dư của người tiêu dùng thực tế khá đơn giản, ta có công thức tính thặng dư tiêu cụ thể như sau:
Thặng dư tiêu dùng = Phúc lợi tối đa mà người dùng sẵn sàng chi trả – Chi phí phải trả thực tế của hàng hóa. |
Trong đó:
- Phúc lợi tối đa mà người dùng sẵn sàng chi trả là giá trị cao nhất mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để sở hữu sản phẩm/ hàng hóa đó.
- Chi phí phải trả thực tế của hàng hóa bao gồm chi phí tiền mặt và chi phí phi tiền mặt, như thời gian và nỗ lực mua sắm.
Ví dụ: Người tiêu dùng sẵn sàng trả 10 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại mới và chi phí thực tế của chiếc điện thoại chỉ là 8 triệu đồng. Như vậy, áp dụng cách tính thặng dư người tiêu dùng = 10 triệu đồng – 8 triệu đồng = 2 triệu đồng.
Công thức thặng dư tiêu dùng (CS) thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các chính sách giá cả. Nó giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định phù hợp về giá cả sau khi cân nhắc giữa phúc lợi người tiêu dùng và lợi nhuận doanh nghiệp.

Ví dụ thực tế về thặng dư tiêu dùng (Consumer Surplus)
Ví dụ 1: Giả sử vào mùa hè này, bạn đang có dự định du lịch tại đảo Phú Quốc và sẵn sàng chi trả 3 triệu đồng tiền vé máy bay. Nhưng khi kiểm tra, vé máy bay thực tế chỉ mất 1 triệu đồng. Như vậy, thặng dư tiêu dùng trong trường hợp này là 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng hiểu được nhu cầu du lịch vào mùa hè này và biết được rằng nhiều người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho chuyến đi của họ. Do đó, các hãng hàng không đều quyết định tăng giá vé du lịch đảo Phú Quốc lên 2 triệu đồng/ vé. Bằng cách tăng giá vé, các hãng hàng không đã lấy thặng dư tiêu dùng tiềm năng và biến nó trở thành thặng dư nhà sản xuất, hay lợi nhuận bổ sung.
Ví dụ 2: Giả sử anh A đang có nhu cầu tìm mua một chiếc máy giặt 7kg có khả năng giặt và sấy khô nhanh chóng cùng nhiều tính năng khác. Anh cũng sẵn sàng chi trả đến 15 triệu đồng để sở hữu một thiết bị tốt. Khi kiểm tra tại một số cửa hàng, anh nhận ra rất nhiều chiếc máy giặt có khả năng đáp ứng nhu cầu của anh với mức giá chỉ khoảng 8 triệu đồng.
Như vậy, thặng dư tiêu dùng = 15 triệu đồng – 8 triệu đồng = 7 triệu đồng.

Các yếu tố tác động đến thặng dư người tiêu dùng
Trên thực tế, thặng dư tiêu dùng có thể bị tác động bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm cả:
- Mức thu nhập của người tiêu dùng: Khi thu nhập càng tăng, thặng dư của người tiêu dùng cũng sẽ càng lớn, vì họ có thể mua thêm nhiều hàng hóa với số tiền mình kiếm được. Ngược lại, mức thu nhập giảm thì thặng dư của người tiêu dùng cũng giảm.
- Sở thích cá nhân: Thông thường, việc có sở thích đặc biệt với một loại hàng hóa thì người ta có xu hướng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm đó. Vì lý do này, sở thích cá nhân cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến thặng dư tiêu dùng. Ngoài ra, những người có sở thích mua sắm đồ hiệu, hàng hóa đắt tiền thường có có thặng dư nhỏ hơn so với những người có sở thích bình dân.
- Sự thay đổi của giá cả: Khi giá cả của một mặt hàng giảm xuống, thì thặng dư tiêu dùng sẽ tăng lên. Vì khi này người dùng sẽ có thể mua được nhiều sản phẩm hơn với số tiền ban đầu. Ngược lại, giá cả tăng thì thặng dư người tiêu dùng sẽ giảm.
- Mức giá của hàng hóa và tình trạng thị trường: Sự thay đổi của giá cả và tình trạng thị trường cũng ảnh hưởng lớn đến thặng dư tiêu dùng. Khi thị trường cạnh tranh, thặng dư của người tiêu dùng sẽ tăng lên, vì khi này người dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và giá sản phẩm cũng cạnh tranh hơn. Ngược lại, khi thị trường khan hiếm, giá cả hàng hóa sẽ bắt đầu tăng và thặng dư tiêu dùng sẽ giảm.

Sự khác biệt giữa thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất
Trên thực tế, thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất là hai khái niệm luôn song hành và được nhắc đến cùng với nhau. Tuy nhiên, đây lại là hai khái niệm có mối quan hệ đối lập. Trong đó:
- Thặng dư tiêu dùng (Consumer Surplus) là chênh lệch giữa “mức giá tối đa mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả và mức giá thực tế mà họ phải trả cho một hàng hóa nhất định. Thặng dư tiêu dùng mang lại lợi ích của người tiêu dùng và đem đến thiệt hại cho phía nhà sản xuất.
- Thặng dư sản xuất (Producer Surplus) là chênh lệch giữa tổng doanh thu từ việc bán một lượng hàng hóa nhất định so với tổng chi phí sản xuất số hàng hóa đó. Thặng dư sản xuất mang lại lợi ích của người bán hàng, doanh nghiệp và đem đến thiệt hại cho người tiêu dùng.
Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất là gì, ta có ví dụ sau: Nhà đầu tư đang tham gia đấu thầu mảnh đất A. Trước đó, họ đã xem xét qua vị trí địa lý, quy mô, tiềm năng của mảnh đất này và ước tính giá bán rơi vào khoảng 50 triệu/ m2, đây cũng là mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng chi trả. Khi này, ta có hai trường hợp có thể xảy ra:
- Trường hợp 1: Vì một lý do nào đó, hoặc chủ miếng đất không đánh giá được giá trị thực của khu đất nên quyết định giao bán với giá 30 triệu/ m2, thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực và mức giá sẵn sàng chi trả của nhà đầu tư. Điều này tạo ra thặng dư tiêu dùng và người mua có lời.
- Trường hợp 2: Vì một lý do nào đó, khu đất này được nhiều người ưa thích và sẵn sàng tranh chấp để sở hữu. Điều này khiến chủ miếng đất quyết định rao bán với mức giá 100 triệu/ m2, lớn hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của miếng đất. Điều này tạo ra thặng dư sản xuất lớn cho chủ nhà đất.
Ví dụ phía trên đã cho ta thấy rõ mối quan hệ mang tính đối lập và loại trừ nhau giữa thặng dư sản xuất và thặng dư tiêu dùng. Theo đó, thặng dư thặng dư tiêu dùng mang lại lợi ích cho người mua và thiệt hại cho phía người bán. Còn thặng dư sản xuất sẽ mang lại lợi ích cho phía người sản xuất và thiệt hại cho phía người mua. Nhưng nhìn chung, đây đều là những yếu tố quan trong giúp đảm bảo sự cân bằng của nền kinh tế.

Cách xác định thặng dư tiêu dùng
Trên thực tế, thặng dư tiêu dùng thường được xác định dựa trên đường cầu (Demand Curve). Về cơ bản, đường này đại diện cho mối quan hệ giữa giá của một sản phẩm và lượng cầu của sản phẩm ở mức giá đó. Đồng thời, do tuân theo quy luật lợi ích cận biên giảm dần nên đường cầu sẽ có xu hướng dốc xuống (như hình).

Trong đó, thặng dư tiêu dùng được đo bằng diện tích nằm dưới đường cầu (Đường đốc xuống từ trục Price) và trên mức giá cân bằng của hàng hóa (Đường nằm ngang ở giữa trực Quantity và đường cầu). Dựa vào biểu đồ trên, ta cũng có thể thấy rằng thặng dư tiêu dùng luôn tăng khi giá hàng hóa giảm và giảm khi giá hàng hóa tăng.
Bài tập tính thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất
Dưới đây là một số bài tập thặng dư tiêu dùng và thặng dư sản xuất mà bạn có thể tham khảo thêm.
Bài tập 1: Giả sử có hàm cầu và cung của mặt hàng X như sau: QD = -2P+120, QS= 3P – 30 (Đơn vị tính của giá là đồng và đơn vị tính của lượng là triệu sản phẩm. Hãy tính thặng dư tiêu dùng thặng dư sản xuất của mặt hàng X.
Giải: Thị trường cân bằng khi lượng cung bằng lượng cầu, hay QD = QS
=> 3P – 30 = -2P + 120
=> 5P = 150
=> P = 30 và Q = 60.
Thặng dư sản xuất là phần diện tích nằm giữa đường giá và đường cung, được xác định bởi tam giác vuông có 3 cạnh gồm: đường giá CB, đường cung và trục tung.
Dựa vào phương trình đường cung, ta xác định đường cung cắt trục tung tại mức giá P=10. Khi này, thế Q=0 vào phương trình đường cung.
=> Thặng dư sản xuất = (30-10) * 60/2 = 600, tức 600 triệu đồng.
Thặng dư của người tiêu dùng là phần diện tích nằm giữa đường cầu và đường giá. Đồng thời được xác định bởi tam giác vuông với 3 cạnh gồm: đường giá CB đường cầu và trục tung.
Dựa vào phương trình đường cầu, ta xác định đường cầu cắt trục tung tại mức giá P=60. Khi này, thế Q=0 vào phương trình đường cầu.
=> Thặng dư tiêu dùng = (60-30)*60/2 = 900, tức 900 triệu đồng.

Bài tập 2: Cho hàm số cung cầu có dạng như sau: Ps = -0,5Q +180 và Pd = 1,5Q +20. Hãy tính thặng dư tiêu dùng (CS) và thặng dư sản xuất (PS).
Giải: Dựa theo lời giải của bài tập 1, ta có thể suy ra đáp án sau:
- Ps=Pd => Q=80 và P=140.
- Thặng dư sản xuất (PS) = (180-140)*80/2 = 1600.
- Thặng dư tiêu dùng (CS) = (140-20)*80/2=4800
Bài tập 3: Ta có số liệu về hàm cung và hàm cầu máy máy lạnh công nghiệp trên thị trường như sau: QD = – 2P + 150 và QS = 2P – 90. Hãy xác định giá và sản lượng cân bằng trên thị trường và tính doanh thu của người bán tại điểm cân bằng.
Giải: Trạng thái cân bằng xác định khi: QD = QS
=> – 2P + 150 = 2P – 90
=> PE = 60 (triệu đồng/ chiếc)
=> QE = 30 (nghìn chiếc)
Tổng doanh thu của người bán tại điểm cân bằng:
TR = PE . QE = 60 . 30 .10^3 = 1800.10^3 (triệu đồng) =1800 (tỷ đồng).
Trên đây là một số bài tập về cách xác định thặng dư tiêu dùng và lời giải kèm theo để giúp bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về cách tính toán và ứng dụng thặng dư tiêu dùng vào thực tế.
Tóm lại, thặng dư tiêu dùng là gì là một yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp trong việc hiểu rõ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Vì vậy, việc hiểu rõ về giá trị này sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm và chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn. Hãy tiếp tục theo dõi Tamnhindautu để tìm hiểu những kiến thức hữu ích về kinh tế học nhé!