Mục Lục
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ thấp hơn so với nam. Vậy chính xác thì độ tuổi nghỉ hưu của nữ là bao nhiêu? Tại sao tuổi nghỉ hưu của nữ lại khác với nam? Liệu có sự bất bình đẳng hay không? Cùng Tamnhindautu tìm hiểu chi tiết qua bài viết ngay sau đây!
Tuổi nghỉ hưu của nữ trong điều kiện lao động bình thường cập nhật 2024
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 18/11/2020:
“Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.”
Theo đó, lộ trình tuổi nghỉ hưu của nữ năm 2024 trong điều kiện lao động bình thường sẽ là 56 tuổi 04 tháng.
Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu |
2021 | 55 tuổi 4 tháng |
2022 | 55 tuổi 8 tháng |
2023 | 56 tuổi |
2024 | 56 tuổi 4 tháng |
2025 | 56 tuổi 8 tháng |
2026 | 57 tuổi |
2027 | 57 tuổi 4 tháng |
2028 | 57 tuổi 8 tháng |
2029 | 58 tuổi |
2030 | 58 tuổi 4 tháng |
2031 | 58 tuổi 8 tháng |
2032 | 59 tuổi |
2033 | 59 tuổi 4 tháng |
2034 | 59 tuổi 8 tháng |
Từ năm 2035 trở đi | 60 tuổi |
Độ tuổi lao động nữ nghỉ hưu thấp hơn so với điều kiện bình thường?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 của Nghị định 135/2020/NĐ-CP về “Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường”:
“Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 của Nghị định này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
a) Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
b) Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
c) Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
d) Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên.”
Như vậy, độ tuổi nghỉ hưu của nữ hiện nay (năm 2024) là 51 tuổi 04 tháng nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu thấp nhất |
2021 | 50 tuổi 4 tháng |
2022 | 50 tuổi 8 tháng |
2023 | 51 tuổi |
2024 | 51 tuổi 4 tháng |
2025 | 51 tuổi 8 tháng |
2026 | 52 tuổi |
2027 | 52 tuổi 4 tháng |
2028 | 52 tuổi 8 tháng |
2029 | 53 tuổi |
2030 | 53 tuổi 4 tháng |
2031 | 53 tuổi 8 tháng |
2032 | 54 tuổi |
2033 | 54 tuổi 4 tháng |
2034 | 54 tuổi 8 tháng |
Từ năm 2035 trở đi | 55 tuổi |
Độ tuổi lao động nữ nghỉ hưu cao hơn so với điều kiện bình thường?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 169 của Bộ luật Lao động được Quốc hội ban hành vào ngày 20/11/2019:
“4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Theo quy định này, lao động nữ có thể nghỉ hưu muộn hơn so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường. Cụ thể, số tuổi nghỉ hưu cao nhất của nữ giới là 61 tuổi 04 tháng.
Tuổi nghỉ hưu của nữ tại sao lại khác của nam – Có đang bất bình đẳng
Trước đây, độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55 tuổi và nam giới là 60 tuổi. Tuy nhiên, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới là xu hướng của xã hội. Thế nên, trong các cuộc hội thảo về tuổi nghỉ hưu đã có nhiều đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ.
Bởi tuổi nghỉ hưu quá sớm có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp, quá trình đào tạo và đề bạt của nữ giới. Và trên thực tế, rất nhiều lao động nữ vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến cho nền kinh tế – xã hội dù đã qua tuổi 55.
Một số người thì cho rằng việc phụ nữ nghỉ hưu trước nam giới là chính sách tiến bộ. Nữ được nghỉ hưu sớm là sự ưu đãi vì Nhà nước cần trích ngân sách để bù vào lương hưu. Hơn nữa, phụ nữ còn có nhiều thiên chức như mang thai, nuôi con nhỏ, chăm sóc gia đình,… nên được ưu tiên về hưu sớm.
Dưới góc độ bình đẳng giới, phụ nữ được nghỉ hưu sớm là một sự ưu đãi nhưng cần đảm bảo quyền lợi ngang bằng với nam giới. Tức là phụ nữ vẫn có thể về hưu ở tuổi 60, 61 hoặc sớm hơn tùy vào quyền lựa chọn của họ.
Trên thực tế, pháp luật Việt Nam đã có nhiều điều chỉnh để giảm bớt sự chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Song cũng cần có lộ trình hợp lý, bởi việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, các quy định hiện hành và quỹ hưu trí.
Hiện tại, độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ năm 2024 đã được tăng lên thành 56 tuổi 04 tháng, còn nam giới là 61 tuổi. Theo lộ trình được quy định tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của nữ giới mỗi năm sẽ tăng thêm 04 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Với nam giới, mỗi năm tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 03 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.
Qua bài viết trên, chắc hẳn là bạn đã nắm rõ quy định về tuổi nghỉ hưu của nữ năm 2024. Để xem thêm nhiều bài viết bổ ích về kiến thức đầu tư, giao dịch chứng khoán, ngoại hối, hãy theo dõi website Tamnhindautu nhé!